Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Thơ Robert Burns


Robert Burns (25/2/1759 – 21/7/1796) là nhà thơ dân tộc Scotland, tác giả của các tập thơ, trường ca và những bài hát dân gian cải biên viết bằng tiếng Anh phương ngữ Scotland.

Tiểu sử:
Robert Burns sinh ở Alloway, South Ayrshire, Scotland, trong một gia đình nông dân nghèo. Suốt đời phải vật lộn với cảnh nghèo túng. Lên 12 tuổi được bố gửi đến trường học, cậu bé thích đọc nhiều và yêu thích thơ của Milton và Shakespeare. Biết làm thơ từ năm 15 tuổi. Năm 1784 bố mất, Burns và em trai chuyển đến trang trại Mossgiel ở Mauchline, công việc của Burns là làm việc ở trang trại kết hợp với làm thơ. Năm 1785 Burns yêu cô Jean Armour (1767-1834) – con gái của một kiến trúc sư giàu có trong vùng đã có thai với Burns. Burns đã viết tờ cam kết sẽ cưới cô làm vợ nhưng ông bố cô đã xé tờ cam kết và tuyên bố rằng không bao giờ gả con gái – dù là đứa hư hỏng cho một kẻ tay trắng như Burns. 

Không còn nhìn thấy tương lai ở quê hương và tình yêu cũng bị ngăn cấm Burns quyết định sang châu Mỹ (Jamaica) làm việc cho một thương gia. Nhưng tiền đi đường không có và không vay mượn đâu được, Burns nghĩ ra một cách – mặc dù rất ngờ vực là in thơ bán lấy tiền. Không ngờ, tập thơ Poems, Chiefly in the Scottish Dialect (Thơ, chủ yếu viết bằng phương ngữ Scotland) của Burns in ra bán rất chạy. Trước ngày lên đường sang châu Mỹ Burns nhận được thư mời lên thủ đô Edinburgh tái bản sách và làm việc. Chuyến đi được hoãn lại… Armour sau lần mang thai thứ hai bị ông bố đuổi ra khỏi nhà và cuối cùng hai người cũng lấy được nhau. Vinh quang đã đến với Burns nhưng cuộc đời của ông vẫn vất vả và không yên ổn vì những vụ kiện tụng xuất phát từ những mối liên hệ với nhiều người phụ nữ khác. Burns mất ngày 21-7-1796 ở Dumfries.

Tác phẩm:
*Poems, Chiefly in the Scottish Dialect(Thơ, chủ yếu viết bằng phương ngữ Scotland, 1786) 1786, thơ
*Tam O' Shanter. 1790, truyện thơ
*The Antiquities of Scotland (Scotland cổ, 1789), truyện thơ
*Select Collection of Original Scottish Airs (Tuyển tập những bài hát cổ Scotland, 1793-1805), lời bài hát dân gian
*The Works of Robert Burns. Ed. By Thomas Stewart, 1801-1802
*The Works of Robert Burns. Ed by James Hogg and William Motherwell, 5 vols, 1834-1836.
*The Works of Robert Burns. Ed by Allan Cunningham, 8 vols, 1834. 
*The Poems and Songs of Robert Burns. Ed. By James Kinsley, 3 vols, 1968


Một số bài thơ

ÊLIZA
(Farewell To Eliza)

Vĩnh biệt em, Êliza thân thiết
Và với người vĩnh biệt nhé, quê hương!
Bởi số phận hẩm hiu đành vĩnh biệt
Đến muôn đời ta cách bởi đại dương.

Nhưng dù cho ngăn cách ta biển rộng
Chẳng có gì chia cắt nổi con tim
Anh sẽ gửi tình anh theo ngọn sóng
Sẽ gửi hồn anh về với hồn em.

Vĩnh biệt em, Êliza thân thiết
Hai chúng mình chỉ còn gặp trong mơ
Một giọng nói thì thầm cho anh biết
Rằng hai ta không gặp nữa bao giờ.

Nhưng em ạ, phút giây này đau khổ
Tựa hồ như cái chết đã sau lưng
Anh sẽ gửi về em từng hơi thở
Và con tim với nhịp đập cuối cùng!
_____________________
(1)Bài thơ này (và nhiều bài khác) được viết trong thời kỳ Burns chuẩn bị đi sang Jamaica. 



MỘT NỤ HÔN DỊU DÀNG
(Ae fond kiss)

Nụ hôn này rồi theo ta đến chết
Thôi nhé em, đến muôn đời vĩnh biệt
Con tim này giờ nức nở khôn nguôi
Nỗi nhớ em theo anh suốt cuộc đời.

Ai buồn đau vì đời không may mắn
Chứ anh đâu dám trách gì số phận
Nhưng bây giờ trước mặt anh
Tất cả chỉ còn bóng tối vây quanh.

Anh đâu trách nỗi đam mê của mình
Đâu trách đời vì đã trót yêu em
Ai gặp em mà chẳng yêu say đắm
Đã yêu rồi, giờ chia tay sao đặng. 

Nếu ta đừng yêu bằng tấm chân tình
Nếu ta đừng yêu mù quáng, cuồng điên
Nếu đừng chia ly, nếu đừng gặp gỡ
Thì tim ta chẳng bao giờ tan vỡ.

Vĩnh biệt em, người yêu dấu nhất
Vĩnh biệt em, người yêu xinh đẹp
Cầu chúc cho em mọi sự tốt lành
Cầu chúc cho em hạnh phúc, bình an.

Nụ hôn này rồi theo ta đến chết
Thôi nhé em, đến muôn đời vĩnh biệt
Con tim này giờ nức nở khôn nguôi
Nỗi nhớ em theo anh suốt cuộc đời.




EM HÃY CÒN BÉ LẮM
(I'm O'er Young To Marry Yet)

Quanh năm sống với mẹ
Em còn bé, thưa Ngài!
Nếu sống với người lạ
Em sợ lắm, thưa Ngài!

Em hãy còn bé lắm
Để làm vợ người ta
Bây giờ em chỉ muốn
Cùng với mẹ ở nhà.

Ngày lễ Thánh qua rồi
Đêm mùa đông dài lắm
Một mình em với người
Chao ôi, em sợ lắm!

Cây khô cành trơ trọi
Gió lạnh thổi đêm đêm
Nếu thương em hãy đợi
Sang hè em lớn thêm.




LÒNG TÔI Ở CAO NGUYÊN
(My Heart's In The Highlands)

Lòng tôi ở Cao nguyên, không ở nơi này
Lòng tôi ở Cao nguyên theo dấu chân nai
Mơ đuổi hươu rừng nhớ theo vết hoẵng
Lòng tôi ở Cao nguyên, dù tôi xa vắng.

Tạm biệt nhé Cao nguyên, núi rừng phương bắc
Quê hương anh hùng nghĩa tình son sắt
Dù khi đi xa hay ở rất gần
Tôi vẫn nhớ Cao nguyên như nhớ người thương.

Tạm biệt nhé, những đồi cao tuyết trắng
Tạm biệt nhé, thung lũng xanh trải rộng
Tạm biệt nhé, hàng cây rủ bên đèo
Tạm biệt nhé, tiếng nước chảy, suối reo.

Lòng tôi ở Cao nguyên, không ở nơi này
Lòng tôi ở Cao nguyên theo dấu chân nai
Mơ đuổi hươu rừng nhớ theo vết hoẵng
Lòng tôi ở Cao nguyên, dù tôi xa vắng.




VĨNH BIỆT XCỐTLEN
(Such A Parcel Of Rogues In A Nation)

Thôi vĩnh biệt Xcốtlen thân thiết
Xứ sở nghìn năm lịch sử ngoan cường
Tên gọi Xcốtlen giờ đây vĩnh biệt
Tổ quốc muôn đời hùng vĩ, oai phong!

Nơi Sark đổ ra vịnh Solway bát ngát
Và Tweed xua giặc tới biển xanh
Tất cả giờ đây đã thành mảnh đất
Bị chia làm tỉnh lẻ của người Anh.

Dùng sức mạnh chẳng hề chinh phục nổi 
Quê hương ta hàng bao thế kỷ nay
Nhưng đã bán chúng ta quân phản bội
Vì những đồng tiền dơ bẩn lắm thay!

Sắt thép người Anh chẳng thể nào khuất phục
Những người con đã chiến đấu ngoan cường
Nhưng người Anh đã đem vàng mua chuộc
Đáng rủa nguyền những kẻ bán quê hương!

Tôi chỉ tiếc chẳng dự vào trận đánh
Cùng anh em chiến đấu với quân thù
Vì quê hương được hy sinh anh dũng
Như Bruce, Wallace sáng mãi nghìn thu!

Nhưng mãi mãi cho đến giờ phút cuối
Xin được nói lên dõng dạc, đàng hoàng:
Sẽ nguyền rủa muôn đời quân phản bội
Những kẻ tham vàng bán rẻ quê hương!
-----------------------------
*Năm 1707 Anh và Xcốtlen ký “Hiệp ước liên minh” (The Act of Union), theo đó hai nước thống nhất thành một quốc gia và giải tán quốc hội Xcốtlen. Trong một thời gian dài “Hiệp ước liên minh” vẫn gợi trong lòng người dân Xcốtlen một cảm giác sỉ nhục và bị phản bội. 
Quân phản bội, bịp bợm (parcel of rogues) là cụm từ mà dân chúng dùng để gọi các đại biểu quốc hội (Scottish Commissioners). Thời Robert Burns họ gồm có 31 người. 




TÌNH NHƯ HOA HỒNG ĐỎ
(A Red Red Rose)

Người yêu anh như bông hoa hồng đỏ
Bông hoa tươi đang nở giữa mùa hè
Người yêu anh như bài ca trong gió
Giai điệu ngọt ngào, êm ái, say mê.

Nét duyên dáng của người em yêu dấu
Với tình anh chỉ có một trên đời
Tình của anh mãi cùng em yêu dấu
Đến bao giờ biển cạn hết mới thôi.

Biển chẳng cạn bao giờ, em yêu dấu
Như đá kia trơ gan với mặt trời
Tình của anh mãi cùng em yêu dấu
Dù dòng đời cứ thế, chẳng ngừng trôi.

Tạm biệt nhé, người em yêu dấu
Chia tay nhau em nhé đừng buồn
Anh sẽ về với người em yêu dấu
Dù phải đi qua ngàn vạn dặm đường.





NHÀ EM BÊN SUỐI
(A Waukrife Minnie)

Tôi hỏi: “em đi đâu,
Đi đâu mà vội thế?”
Em kiêu hãnh lắc đầu:
“Em đi theo lời mẹ!”

“Nhà em đâu-tôi hỏi-
Ơ gần hay ở xa?”
“Nhà em ở bên suối
Em sống với mẹ già”.

Tôi tìm về nơi ấy
Nhưng em giấu mẹ già
Gần sáng cùng tỉnh dậy
Em đã bớt kiêu sa.

Chú gà trống ngủ quên
Chưa cất lên tiếng gáy
Nhưng hình như giường bên
Mẹ già đang thức dậy.

Mẹ nhìn anh giận dữ
Lôi em ra khỏi giường
Rồi lấy chiếc roi dẻ
Đánh em thấy mà thương.

Tạm biệt người em gái!
Người em gái kiêu sa!
Anh mong ngày gặp lại
Nhưng anh sợ mẹ già.





QUÁN TRỌ ĐÊM ĐÔNG
(The Lass That Made The Bed To Me)

Giữa rừng đêm tối mịt
Ngọn gió rét tháng giêng
Nhà cửa bưng kín mít
Tôi tìm nơi trọ đêm.

May mắn thay trên đường
Tôi gặp người con gái
Nàng tỏ ý sẵn lòng 
Mời tôi về nghỉ lại.

Tôi cúi chào lễ phép
Người con gái làm ơn
Rồi tỏ ra lịch thiệp
Nhờ nàng giúp trải giường.

Tấm vải rộng làm chiếu
Nàng trải chiếc giường con
Rót mời tôi chén rượu
Nàng chúc tôi ngủ ngon.

Rồi lấy đi ngọn đèn
Nhìn theo nàng tôi gọi:
“Nàng ơi cảm phiền em
Cho anh nhờ chiếc gối”.

Nàng mang tôi chiếc gối
Đặt nhẹ xuống đầu giường
Nàng dễ thương quá đỗi
Khiến tôi ôm chặt nàng.

Đôi má nàng ửng đỏ
Như thoáng chút thẹn thùng
“Nếu yêu em hãy giữ
Đời con gái nghe anh!”.

Mái tóc xoăn mềm mại
Toả mùi hương ngất ngây
Của mùi hương hoa huệ
Khiến lòng tôi mê say.

Bộ ngực nàng tròn căng
Ngỡ như cơn gió mạnh
Của buổi sớm mùa đông
Dồn tuyết về thành đụn.

Tôi hôn nàng mải miết
Lên mắt biếc môi hồng
Thịt da nàng tinh khiết
Như hương ngọn gió rừng.

Nàng ngoan ngoãn dễ thương
Đôi mắt hiền nhắm lại
Giữa tôi và bức tường
Nàng ngủ say êm ái.

Tỉnh giấc lúc sáng trời
Tôi yêu nàng lần nữa
“Trời, em chết mất thôi!”-
Nàng rưng rưng, nức nở.

Hôn đôi mắt đẫm ướt
Mái tóc đượm mùi hương
Tôi nói: “còn nhiều lượt
Em giúp anh trải giường!”

Nàng ngồi dậy tìm kim
May cho tôi chiếc áo
Trong buổi sáng tháng giêng
Nàng ngồi may chiếc áo.

Thời gian thấm thoắt trôi
Hoa bên rừng đã nở
Nhưng tôi nhớ suốt đời
Đêm mùa đông quán trọ.



TÔI CẦN MỘT NGƯỜI VỢ
(I Hae a Wife O' My Ain) 

Tôi cần một người vợ
Xấu tốt gì cũng xong
Chỉ cần là phụ nữ
Mà phụ nữ không chồng.

Béo mập hay gầy nhom 
Tóc vàng hay tóc bạc
Thế nào mà chẳng được
Trong đêm trời tối đen.

Nếu như còn trẻ trung
Thì cũng vui đấy chứ
Còn nếu như già khụ
Tôi góa bụa sớm hơn.

Nếu như nàng sinh con
Tôi lấy làm vui vẻ
Còn nếu không sinh hạ
Càng ít phải quan tâm.

Nếu nàng yêu rượu vang
Cứ việc say sưa uống
Còn nếu không màng đến
Tôi còn lại nhiều hơn.



NGƯỜI GÓA VỢ HẠNH PHÚC
(The Joyful Widower) 

Tôi làm đám cưới nàng
Mười bốn tháng mười một
Nhưng rồi đời khó nhọc
Muốn treo cổ nhiều lần.

Tôi chịu lép vế nàng
Mang trên mình gánh nặng
Nhưng cuối cùng may mắn
Vợ tôi đã lìa trần.  

Đã từng hai mươi năm
Tôi với nàng chung sống
Thế mà sao nàng bỗng
Lặng lẽ rời cõi dương.

Tôi có thể đoán rằng
Ở bên kia thế giới
Biết đâu sau này lại
Được gặp gỡ với nàng.

Tôi tổ chức đàng hoàng
Khâm liệm và chôn cất
Tôi tin quỉ địa ngục
Sẽ không tiếp nhận nàng.

Mà nghĩ ở thiên đàng
Thì người ta mới nhận
Bởi vì nàng từng giống
Tiếng sét xé mây đen.



TẠI VÌ AI ĐẤY
(For the sake o' Somebody)

Trong lòng này không yên
Suốt ngày chờ ai đấy.
Suốt đêm đợi bình minh
Tất cả vì ai đấy.

Ai đấy không cùng tôi
Biết tìm đâu người ấy
Tôi đi khắp cõi đời
Chỉ để tìm ai đấy.

Hỡi ai người gìn giữ
Những sức mạnh kín thầm
Hãy quay về lần nữa
Cái người tôi yêu thương.

Ai đấy không cùng tôi
Tôi buồn điều gì đấy.
Thề tất cả trên đời
Tôi trao cho ai đấy.

Variant:
Ta đau khổ vì ai
Con tim này trĩu nặng
Thức thâu đêm suốt sáng
Ta khổ với người này.

Nhưng nào đâu có ai
Biết tìm ai đâu đó
Ta đi khắp thiên hạ
Để tìm bóng hình này.

Sức mạnh và mê say
Của tình yêu ai giữ
Cầu xin ngươi hãy trả
Ta bóng dáng yêu này.

Nhưng nào đâu có ai
Biết tìm ai đâu đó
Ta xin dâng tất cả 
Để có được người này.
1794



LỜI CHÚC RƯỢU
(Auld Lang Syne)

Có phải đã quên tình xưa
Và không buồn về nó nữa?
Có phải dã quên tình cũ
Tình yêu của tháng ngày xa?

Ta uống chúc tình bạn ngày xưa
Cạn chén!
Chúc hạnh phúc ngày xưa!
Anh và em cùng uống
Chúc hạnh phúc ngày qua.

Hãy mang chén cho nhiều
Và rót cho đầy chén
Ta uống chúc tình yêu.

Chúc tình bạn ngày qua
Cạn chén!
Chúc hạnh phúc ngày xanh!
Qua từng cốc rượu cũ
Chúc hạnh phúc ngày xanh!

Anh và em đã từng giẫm lên
Hoa cỏ những cánh đồng thân thuộc
Nhưng không một bầu nhiệt huyết
Ta lấy từ những tháng ngày xanh.

Ta bơi qua không chỉ một lần
Anh và em từng bơi qua suối nhỏ
Nhưng ngăn cách ta biển cả
Người bạn của những tháng ngày xanh.

Và bây giờ anh lại gặp em
Tay em trong bàn tay anh
Anh uống chúc tình yêu cũ
Và chúc tình bạn đã từng.

Chúc tình bạn xưa
Cạn chén!
Chúc hạnh phúc ngày xưa!
Anh uống cùng em, người bạn cũ
Chúc hạnh phúc ngày xưa.



Auld Lang Syne

Should auld acquaintance be forgot, 
and never brought to mind? 
Should auld acquaintance be forgot, 
and auld lang syne*?

CHORUS:

For auld lang syne, my jo, 
for auld lang syne, 
we’ll tak a cup o’ kindness yet, 
for auld lang syne.

And surely ye’ll be your pint-stowp! 
and surely I’ll be mine! 
And we’ll tak a cup o’ kindness yet, 
for auld lang syne.

CHORUS

We twa hae run about the braes, 
and pu’d the gowans fine; 
But we’ve wander’d mony a weary fit, 
sin auld lang syne.

CHORUS

We twa hae paidl’d i' the burn, 
frae morning sun till dine; 
But seas between us braid hae roar’d 
sin auld lang syne.

CHORUS

And there’s a hand, my trusty fiere! 
and gie's a hand o’ thine! 
And we’ll tak a right gude-willy waught, 
for auld lang syne.


Thơ John Keats


John Keats (31 /10 /1795 – 23 /2 /1821) – nhà thơ Anh, người cùng thời với Shelley, Byron, một đại diện tiêu biểu của trường phái lãng mạn Anh thế kỉ XIX.

Tiểu sử:
John Keats sinh ở Moorgate, London, là con trai cả của Thomas Keats và Frances Jennings Keats. Năm 1804 bố mất, ba tuần sau đó mẹ đi lấy chồng nên các con ở với bà ngoại. Năm 1810 mẹ chết vì bệnh lao phổi, hậu quả của cái chết này là sau đó các con trai của bà cũng chết vì bệnh này.
Từ năm 1803-1811 học ở trường tư, năm 1811 học ngành y ở King's College London. Thời gian này Keats đã rất say mê thơ ca, tốt nghiệp ngành y nhưng Keats không làm bác sĩ mà theo đuổi sự nghiệp thơ ca. Năm 1817 in tập thơ “Poems”, năm sau in tiếp trường ca “Endymion”. Năm 1820 in tập thơ cuối cùng.

Cuộc đời của Keats thật ngắn ngủi nhưng sự nghiệp thơ ca mà ông để lại cho đời là vô giá. Keats nổi tiếng là nhà thơ ca ngợi cái đẹp “Cái đẹp là chân lý, chân lý là cái đẹp, thế thôi, đấy là tất cả những gì ta biết và ta cần biết”. Theo quan niệm của ông, nghệ thuật là phải thể hiện cái đẹp chứ không phải là thứ vũ khí của chính trị, khoa học hay tôn giáo. Nhà thơ không phải là lãnh tụ, không phải là người thầy, nhà thơ không nên tham gia vào đấu tranh xã hội mà nhà thơ – trước hết là người sáng tạo.

Keats mất ở Ý vì bệnh lao phổi. Ông được mai táng tại nghĩa trang Tin lành ở Roma, trên mộ có dòng chữ đề: “tên của người này in trên nước” (whose name was writ in water). 




Tác phẩm:
- Thơ (Poems), 1817 
- Thần Endymion (Endymion, 1818)
- Isabella (Isabella, 1818)
- Hyperion (Hyperion, 1819)
- Đêm trước của Thánh Agnes (The Eve of St. Agnes, 1919)
- Bài thơ về bình hoa Hy Lạp (Ode to a Grecian urn, 1819)
- Bài thơ gửi Họa mi (Ode to a nightingale, 1819) 
- Về nỗi u sầu (On Melancholy, 1919)
- Gửi Mùa thu (То autumn, 1919)
- Bài thơ gửi Psyche (Ode to Psyche, 1919)
- Toàn tập tác phẩm (The poetical works and other writings of J. Keats, 4 vv., 1883)
- Thơ (Poetical works, 1929) 

Một số bài thơ 


LA BELLE DAME SANS MERCI (1)
(The original version, 1819)

“Chàng kỵ sĩ có điều chi phiền muộn
Mà đi lang thang buồn bã một mình?
Để cây bên hồ chỉ còn lá rụng
Và chẳng còn nghe tiếng hót của chim.

Chàng kỵ sĩ có điều chi phiền muộn
Có điều chi lo lắng ở trong lòng?
Cho chú sóc một vụ mùa đầy đặn
Đã kết thúc mùa gặt hái trên đồng.

Ta thấy rằng: như hoa huệ trong sương
Vầng trán ngươi ướt đầm đìa lạnh lẽo
Có điều chi đau đớn lắm trong hồn
Đôi má ngươi như hoa hồng đang héo”.

Ta đã gặp trên đồng người con gái
Nàng đẹp xinh tựa như một cô tiên
Mái tóc dài, gót chân nàng tươi rói
Và lẳng lơ, hoang dại ánh mắt nhìn.

Ta kết vòng hoa cho nàng đội lên đầu
Vòng đeo tay toả hương thơm ngào ngạt
Nàng nhìn ta với ánh mắt u sầu
Và ta nghe tiếng thở dài dịu ngọt.

Ta bế nàng lên yên ngựa của mình
Suốt cả ngày với nàng trong yên lặng
Nàng cất lên những bài hát của tiên
Đôi mắt nàng nhìn về nơi xa vắng.

Nàng trao ta cội nguồn hương dịu mát
Và những gì mật ngọt tháng ngày xanh
Rồi thốt lên những lời kỳ quặc:
“Em yêu anh chân thành”.


Nàng đưa ta vào lâu đài tình ái
Nàng khóc lên và rên rỉ đau thương
Ta nhìn thấy đôi mắt nàng hoang dại
Ta khép mắt nàng bằng bốn nụ hôn.

Nàng vỗ về, ru ta vào giấc ngủ
Ta đi vào giấc mộng – nhưng than ôi!
Giấc mơ cuối cùng ta không còn nhớ
Rằng chỉ mình ta lạnh lẽo trên đồi.

Ta nằm mơ thấy hoàng tử tình si
Vẻ tái nhợt trong cơn đau gào thét:
“La Belle Dame Sans Merci
Ngươi thấy rồi và ngươi đã chết!”

Ta nhìn thấy những bờ môi khát khao
Đang gào lên những lời nghe khiếp đảm.
Ta tỉnh giấc và thấy trên đồi cao
Một mình ta nằm bên bờ dốc lạnh.

Từ dạo đấy ta đâm ra thờ thẩn
Vẻ xanh xao ta lảng vảng một mình
Cây bên hồ giờ chỉ còn lá rụng
Và chẳng còn nghe tiếng hót của chim.
__________________
(1) Người đẹp không thương xót (tiếng Pháp). Tên của bài thơ này lặp lại tên một trường ca của nhà thơ Pháp. A. Chartier (1385 – 1433). Không chỉ ở trong thơ của Chartier, mà mô-típ “Người tình đau khổ”(L’amant martyr) còn hay gặp trong thơ của Francois Villon.



Về bài thơ "La Belle Dame sans Merci"

La Belle Dame sans Merci (tiếng Pháp: Người đẹp không có lòng thương xót) – là một bài ballad của John Keats. Bài thơ này có hai phiên bản với một chút ít khác nhau. Bản đầu tiên được Keats sáng tác ngày 21 tháng 4 năm 1819. Bản hiệu đính theo đề nghị của Leigh Hunt ngày 10 tháng 5 năm 1820. 

Bài thơ này lần đầu tiên in ở tạp chí The Indicator của Hunt ngày 10 tháng 5 năm 1820. La Belle Dame Sans Merci lấy lại tên trường ca của nhà thơ Pháp thời trung cổ Alain Chartier. Nguồn gốc của ballad này là truyền thuyết Tannhäuser của Đức, trường ca hiệp sĩ The Faerie Queene của Edmund Spenser và The Anatomy of Melancholy của Robert Burton (Câu chuyện về chàng hiệp sĩ sầu muộn).

Nội dung:

Bài ballad của John Keats kể về cuộc gặp gỡ của chàng kị sĩ vô danh với một nàng tiên ẩn ước. Chàng kị sĩ cô đơn, kiệt sức vì một nỗi buồn thơ thẩn trên đồng vắng. Tác giả hỏi chuyện chàng và chàng kể lại một câu chuyện. Một hôm chàng gặp người đẹp có “ánh mắt nhìn hoang dại”. Chàng bế nàng ngồi lên ngựa, thế rồi nàng dẫn chàng đi vào cõi tiên. Trong cõi này nàng đã nức nở, thổn thức. Chàng hôn lên đôi mắt hoang dại của nàng, rồi nàng vỗ về, ru chàng đi vào giấc mộng.

Trong giấc mơ chàng thấy hoàng tử tình si gào thét rằng chàng đã bị rơi vào vòng tù hãm của người đẹp và bị người đẹp giã từ không thương tiếc. Chàng kị sĩ tỉnh giấc thấy “một mình trên đồi lạnh” và kể từ dạo đấy chàng đâm ra thơ thẩn, với gương mặt tái nhợt chàng lang thang không mục đích ở cái miền mà cây cối “chỉ còn lá rụng và không còn tiếng hót của chim”.

Ý nghĩa: 
Ballad La Belle Dame Sans Merci chỉ gồm 12 khổ thơ, mỗi khổ 4 dòng nhưng là một câu chuyện đầy những bí ẩn. Keats mô tả chàng kị sĩ khiến người đọc liên tưởng đến cái chết – gương mặt tái nhợt của chàng như một bông hoa huệ (biểu tượng của cái chết trong văn hóa phương Tây), héo hon và tàn úa – có thể chàng đã chết, và trả lời câu chuyện là một bóng ma, là linh hồn của chàng. Trong nguyên bản bài ballad nói về người đẹp đã quyến rũ chàng kị sĩ, chi tiết này gần gũi với những truyền thuyết Thomas Learmonth (Thomas the Rhymer) hoặc Tam Lin.

Thông thường các kị sĩ bị ràng buộc bởi lời nguyền đạo đức, thế nhưng ở đây chàng kị sĩ của John Keats đã bị quyến rũ bởi tiên (chứ không phải người trần), nên đã bị trừng phạt. Những người phát ngôn của phái nữ quyền cho rằng kị sĩ đã hãm hiếp cô gái, do vậy Chúa đã trừng phạt chàng. Dẫn chứng cho điều này, người ta dẫn câu thơ: “she wept, and sigh’d full sore” (nàng khóc lóc, và những tiếng thở dài đau đớn).

Dù sao, sự phân tích này không thực sự thuyết phục vì trong bài thơ ta thấy rõ ràng rằng cô đã nói lời yêu chàng chân thành, đã quyến rũ chàng đi vào cõi tiên (hang động, nơi tiên ở). Thành ra câu thơ “she wept, and sigh’d full sore” có thể hiểu là cô tiên đã mất trinh tiết sau khi yêu. Cũng có thể đấy là khát khao cháy bỏng được yêu chàng. Ý nghĩa câu này phụ thuộc vào nội dung cả bài ballad: liệu đấy là một bài thơ lãng mạn, trữ tình hay tác giả có ý lồng vào một ý nghĩa đạo đức. Nếu xem xét rộng ra toàn bộ sáng tạo của John Keats thì ta có thể chắc chắn rằng đấy là câu chuyện tình cảm lãng mạn chứ Keats hoàn toàn không muốn hướng nó về trí tuệ hay luân lý.

Ảnh hưởng đến hội họa và âm nhạc: 
Nàng tiên bí ẩn La Belle Dame sans Merci trở thành nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm của các họa sĩ nhóm tiền Raphael như: Frank Dicksee, Frank Cadogan Cowper, John William Waterhouse, Arthur Hughes, Walter Crane, Henry Maynell Rheam. Ngày 1 tháng 12 năm 1920 tạp chí Punch đã in một tiểu phẩm khôi hài về đề tài này.

Nhạc sĩ Charles Villiers Stanford phổ nhạc lời của bài thơ này thành một khúc lãng mạn nổi tiếng. Thể hiện tác phẩm này đòi hỏi người hát cũng như người đệm đàn có trình độ cao. Khúc lãng mạn này nổi tiếng cho đến ngày nay và luôn được các nghệ sĩ nổi tiếng nhất thể hiện.
Nhạc sĩ Patrick Hadley viết khúc tứ tấu cho giọng nam cao và dàn nhạc.
La Belle Dame sans Merci là nguồn cảm hứng cho Tony Banks (nhóm Genesis) viết bài hát The Lady Lies (1977). 




EM VẪN NÓI RẰNG YÊU

(You Say You Love)  

I

Em vẫn nói rằng yêu nhưng câu trả lời
Trong giọng nói của em sao hờ hững
Nghe có vẻ giống như lời cầu nguyện
Trong tiếng ngân vang của những hồi chuông.
Hãy yêu anh thật lòng!

II

Em vẫn nói rằng yêu nhưng nụ cười em
Lạnh lẽo như ánh bình minh tháng chín
Có vẻ như thần Tình yêu sai khiến
Em nén lòng trong tuần lễ chay chăng.
Hãy yêu anh thật lòng!

III

Em vẫn nói rằng yêu nhưng đôi môi em
Không hạnh phúc, ánh bừng lên sắc đỏ
Giữa biển lớn, ngọc giấu mình trong đó
Không bao giờ chịu để một ai hôn.
Hãy yêu anh thật lòng!

IV

Em vẫn nói rằng yêu nhưng bàn tay em
Không siết chặt tay anh, không thiện cảm
Em như bức tượng, không hề sống động
Trước tình yêu cháy bỏng của anh.
Hãy yêu anh thật lòng!

V

Bằng những lời đẹp đẽ từ trái tim
Bằng nụ cười cháy bừng như ngọn lửa
Bằng nụ hôn, hãy dìm anh trong đó
Trong lửa tình hừng hực trái tim em.
Hãy yêu anh thật lòng!


SONNET

(The day is gone, and all its sweets are gone!) 

Ngày ra đi, tất cả mang theo mình
Giọng nói ngọt ngào, bờ môi, ánh mắt
Ngực ấm áp và những lời đùa cợt
Bàn tay êm và tiếng thổn thức lòng.

Tất cả nhạt phai, hoa cũng héo tàn
Trong đôi mắt đã tàn phai nhan sắc
Từ bàn tay đã không còn vẻ đẹp
Cả nhiệt tình, trinh trắng cũng héo hon.

Tất cả tiêu tan, khi bóng tối nhá nhem
Đem thay ngày lễ bằng đêm thần thánh
Bức màn hương của tình yêu buông xuống
Dành cho đam mê chỉ có bóng đêm.

Cuốn kinh tình yêu tôi đọc ban ngày
Tôi nguyện cầu giấc ngủ hãy đến đây!



VỀ CÁI CHẾT 

(On Death)

1
Có thể chết là ngủ, nhưng đời là giấc mơ
Những ngày vui thoáng qua như ảo ảnh
Và hạnh phúc cũng qua rất chóng vánh
Sao ý nghĩ về cái chết vẫn cứ hạ hành ta. 

2
Thật lạ lùng, người ta sống trên trần
Là bể khổ, nhưng vẫn không từ bỏ
Ý nghĩ về cuộc sống đầy gian khó
Và vẫn mong mình sẽ được hồi sinh. 



NGÔI SAO SÁNG

(Bright star) 

Giá mà ta vĩnh hằng như sao sáng
Nhưng mà không chiếu sáng giữa cô đơn
Hay muôn thuở thao thức giữa trời đêm
Nhìn thế gian bằng đôi mắt hờ hững.

Thần thánh làm dòng nước kia chuyển động
Rửa sạch cho những bờ bến nhân gian
Và khoác lên trang phục của mùa đông 
Cho đồi núi trong đất trời xoay chuyển.

Ta rất muốn vĩnh hằng, không suy suyển
Để tựa đầu lên ngực đẹp yêu thương
Và lắng nghe từng hơi thở nhẹ nhàng
Và thức mãi trong ngọt ngào âu yếm.

Để lịm đi trong hơi thở của nàng
Để sống muôn đời – hoặc sẽ chết muôn năm.


Thơ Thomas Moore


Thomas Moore (28 /5 /1779 – 25 /2 /1852) – nhà thơ, nhạc sĩ, nhà kinh tế Ireland.

Tiểu sử:
Thomas Moore sinh ở Dublin, Ireland trong một gia đình buôn bán nhỏ theo đạo Tin lành. Tốt nghiệp trường Trinity College năm 1798 ở Dublin. Năm 1799 Moore sang London. Năm 1800 in bản dịch thơ Anacreon, tập thơ “Poems by the late Thomas Little (Thơ của Thomas Little đã quá cố) và trở thành một người nổi tiếng. Năm 1803 Moore sang làm việc ở đảo Bermuda, từ đó ông đi sang Canada và Mỹ. Sau đó ông trở về Anh và năm 1807 in Irish Melodies (Những giai điệu Ireland). Năm 1815 ông in tác phẩm lớn nhất của mình Lalla Rookh – là tác phẩm được coi là sánh ngang hàng với những trường ca về phương Đông của Lord Byron, cũng là một người bạn thân thiết của Moore. Lalla Rookh được dịch sang tiếng Ba Tư và được người Ba Tư gọi là “một thiên sử thi vĩ đại”.

Trong những tác phẩm bằng văn xuôi của ông, đáng kể nhất là The Letters and Journals of Lord Byron (Thư từ và nhật ký của Lord Byron, 1830). Moore thể hiện những quan điểm kinh tế của mình trong tập thơ Cash, Corn and Catholics (Tiền, gạo và những tín đồ công giáo, 1828), được coi là một trong 100 nhà kinh tế vĩ đại. Ông mất ở Wiltshire, Anh. Thơ của Thomas Moore được dịch ra nhiều thứ tiếng, thời gian gần đây được dịch nhiều sang tiếng Việt.

Tác phẩm:
-Poems by the late Thomas Little (Thơ của Thomas Little đã quá cố, 1800)
-Irish Melodies (Những giai điệu Ireland, 1807), thơ
-Lalla Rookh,1815, trường ca sử thi
-The Letters and Journals of Lord Byron (Thư từ và nhật ký của Lord Byron, 1830).
-Cash, Corn and Catholics (Tiền, gạo và những tín đồ công giáo, 1828), thơ
-History of Ireland (Lịch sử Ireland, 1827), văn xuôi.



NHỚ MẸ HIỀN TỔ QUỐC 
(Remember Thee!)

Đến một ngày con tim chưa ngừng đập
Tôi không thể quên mẹ hiền tổ quốc
Trong ngày đau thương, tăm tối, bão giông
Tổ quốc thân yêu, Người đẹp vô cùng!

Nếu mai này Người hùng mạnh, tự do
Biển dâng ngọc và mặt đất dâng hoa
Tôi ngẩng cao đầu với niềm hạnh phúc
Nhưng chẳng yêu Người hơn lúc này được.

Không, máu tổ quốc đang chảy dưới gông cùm
Mẹ càng yêu hơn, mẹ của chúng con
Những trái tim như bầy chim lìa tổ
Uống tình yêu từ nỗi đau của mẹ.


NẾU EM LÀ NGƯỜI TÌNH

(If thou'lt be mine) 

Nếu em là người tình thì muôn báu vật
Của biển, đất, trời xin đặt dưới chân em
Và tất cả những gì tươi đẹp nhất:
Những giai điệu ngọt ngào, những hy vọng dịu êm
Đều của ta – nếu em là người tình!

Đường ta về muôn loài hoa sẽ nở
Suối sẽ reo vang khúc nhạc thần tiên
Cõi tình yêu những vì sao rực rỡ
Mặt đất này như một giấc mơ xinh
Trong mắt ta – nếu em là người tình!

Bao ý nghĩ trong mạch nguồn ẩn khuất
Như dòng sông bắt ngọn tự trời xanh
Trong tim ta sẽ giữ miền hạnh phúc
Được tắm bằng dòng suối nước long lanh
Mãi trong xanh – nếu em là người tình!

Những điều này được tạo bởi Yêu Thương
Cho tất cả những ai hằng mơ ước
Và ông Trời sẽ dựng chốn thiên đường
Trên mặt đất, nơi có niềm hạnh phúc
Cùng đắp xây – nếu em là người tình!


TÌNH ĐÃ CHẾT TRONG TA 
(Fare thee well, thou lovely one! - Dân ca Sicily)

Thôi vĩnh biệt! Cho dù em vẫn đẹp
Nhưng tình yêu không trở lại bao giờ
Hồn hoang vu, lòng chân thành đã khép
Có nghĩa là tình đã chết trong ta.

Dù lời em ngọt ngào như đường mật
Đâu dễ gì quyến rũ được lòng anh
Nhưng đôi mắt vẫn nhìn anh chân thật
Biết làm sao không tin được cho đành!

Nhưng mà thôi, bây giờ, xin vĩnh biệt!
Em dù xinh nhưng chẳng của ngày xưa
Hồn hoang vu lòng chân thành đã khép
Tình ngọt ngào, tình đã chết trong ta.

Đôi mắt em như ngôi sao không đổi
Giữa trời xanh vẫn nhấp nháy gọi mời
Đôi má hồng kia dường như vẫn đợi
Chuyển màu hồng thành trắng, bạc như vôi.

Chỉ con tim em bây giờ phụ bạc
Cứ nói những lời gian dối không thôi
Tình vẫn sống ở một nơi nào khác
Nhưng trong tim, than ôi, đã chết rồi!

Nên em ạ, bây giờ, xin vĩnh biệt!
Em dù xinh nhưng chẳng của ngày xưa
Hồn hoang vu, lòng chân thành đã khép
Tình ngọt ngào giờ đã chết trong ta.



HÃY NGỦ ĐI EM 
(Go, Now, And Dream - Dân ca Sicily)

Thôi hãy ngủ đi em và hãy mơ
Về niềm vui không còn nữa bao giờ.
Trên môi ta muôn đời còn vị đắng
Hạnh phúc mong manh, tình không bền vững.
Thôi hãy ngủ đi em!

ánh trăng thanh lại tỏa sáng diệu kỳ
Trên đường về lấp lánh buổi chia ly
Nhưng ánh trăng của ngày ta gặp gỡ
Trong mắt em giờ đây không về nữa.
Thôi hãy ngủ đi em!


TÌNH ĐÃ BAY XA 

(Thou lovest no more)

Nỗi đau em, than ôi, giờ nhắc mãi
Sự thật kia đừng che dưới sương mờ
Con tim giá băng, thề nguyền xưa đã đổi
Tình đã xa – tình giờ đã bay xa.

Đôi mắt anh vẫn nhìn em chân thật
Nhưng nụ cười đã khác nụ cười xưa
Vòng tay anh dù ôm vào siết chặt
Nhưng đã khác rồi – tình đã bay xa.

Em như người ngủ say trong giấc mộng
Điều dối gian em chẳng muốn nhìn ra
Nhưng than ôi! Bây giờ em thất vọng
Tất cả rõ ràng – tình đã bay xa.

Hỡi những kẻ đã về nơi chín suối
Những yêu thương, hờn dỗi của ngày qua
Hãy quay về đây dỗ dành, an ủi
Và trả cho em tình đã bay xa.


CHỈ TÌNH YÊU

(Love alone)

Nếu em muốn đôi mắt say vẻ đẹp
Thì đầu tiên hãy chinh phục con tim
Đẹp không yêu, đẹp cũng bằng vô ích
Chỉ tình yêu cho nét đẹp thần tiên.

Em bây giờ như bông hoa kiêu hãnh
Nhưng sẽ ra sao nếu thiếu ánh mặt trời?
Thiếu nữ không yêu như hoa hồng thiếu nắng
Chỉ tình yêu cho ánh sáng mà thôi.

Nhìn trong gương vẻ đẹp giờ rực rỡ
Nhưng thời gian tàn phá chẳng hề thương
Vẻ đẹp kia chỉ mãi còn gìn giữ
Trong mắt tình chứ đâu phải trong gương.



YÊU SAO BUỔI HOÀNG HÔN 

(How dear to me the hour)

Đáng yêu sao vẻ đẹp buổi hoàng hôn
Trên biển lặng ánh mặt trời dần tắt
Khi giấc mơ xưa trỗi dậy trong hồn
Và nỗi nhớ em thì thào, khoan nhặt.

Tôi lặng buồn nhìn theo từng đợt sóng
Dội về tây chẳng vướng chút ưu phiền
Và thầm nghĩ giá mà con đường sáng
Sẽ đưa tôi về tận cuối trời Quên.


ĐIỀU KỲ DIỆU

(The wonder)

Ai cho tôi biết được có nơi nao
Người con gái yêu mà không gian dối
Để tôi bắt cả thiên hạ cúi chào
Và xin được quì xuống bằng đầu gối.

Tôi biết tìm đâu nơi ở của nàng
Ngôi nhà thần tiên có niềm hạnh phúc
Tôi sẽ tháng dài, ngày rộng lang thang
Tìm cho được, dù chỉ là ánh mắt.

Ơ nơi đâu người con gái khi yêu
Mà trong lòng không nói điều gian dối
Để cho tôi được từ sáng đến chiều
Ngắm đôi mắt của nàng không mệt mỏi.

Và tôi sẽ kêu ầm khắp thiên hạ
Tôi tin vào điều kỳ diệu từ nay
Bởi tạo ra người tuyệt vời như thế
Đến ông Trời cũng đành chịu bó tay!


TA GẶP GỠ CHÂN TÌNH
(So warmly we met - Dân ca Hungari)

Ta gặp gỡ ân cần rồi chia ly tình cảm
Chẳng biết điều gì trong đó ngọt ngào hơn
ánh mắt ngày gặp nhau vui như tia nắng
Nước mắt buổi chia ly lấp lánh nỗi buồn.

Ta gặp gỡ chân tình, chia tay nhau cũng thế
Vui và buồn đều chẳng chịu nhường nhau
Thần tình yêu hai con mắt như thể
Nước mắt, nụ cười hòa quyện vào nhau.

ánh bình minh của ngày đầu gặp gỡ
Đã tắt vào trong bóng tối xa bay
Đêm chia ly lại cháy bừng ngọn lửa
Chợt sáng lên như tia nắng ban ngày.

Ngày gặp gỡ hạnh phúc chẳng kéo dài
Bởi hạnh phúc lâu ngày không chịu ở
Nhưng chia ly để hy vọng ngày mai
Ta lại vui niềm vui ngày gặp gỡ.



LÝ LẼ
(An Argument)

Anh thường nghe các linh mục nói rằng
Điều khát khao với lỗi lầm là một
Và ông trời sẽ thẳng tay trừng phạt
Điều khát khao giống như việc đã làm.

Nếu khát khao nguyền rủa anh và em
Nguyền rủa điều con tim này khao khát
Em cứ đến, ta hưởng niềm khoái lạc
Mà không sợ điều trừng phạt nhe em. 



TIẾNG CHUÔNG CHIỀU

(The evening gun)

Còn nhớ chăng em yêu
Ngày chia tay trên bến
Cùng nghe tiếng chuông chiều
Ngắm hoàng hôn trên biển?

Tiếng vang trên sóng nước 
Chạy ra tít mù khơi
Rồi dường như bất chợt
Tan ra giữa đất trời.

Giờ sau ngày làm việc
Lòng lại nhớ em yêu
Lại nhìn con sóng biếc
Lặng nghe tiếng chuông chiều.

Tiếng vang trên sóng nước
Nức nở quyện vào nhau
Anh khóc và muốn được
Chết theo tiếng chuông chiều.