Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Thơ Lewis Carroll

 


Lewis Carroll là bút danh của Charles Lutwidge Dodgson (27 tháng 1 năm 1832 – 14 tháng 1 năm 1898) – nhà văn, nhà thơ, nhà toán học, nhà logic học, nhà triết học, nhiếp ảnh gia người Anh. Ông là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng thế giới như: “Alice ở xứ sở thần tiên”, “Alice trong gương”, cũng như các tập thơ “Săn tìm quái vật”, “Jabberwocky” vv…
 
Tiểu sử
Dodgson sinh ngày 27 tháng 1 năm 1832 tại Darsbury, Cheshire trong một gia đình có 7 đứa con gái và 4 trai. Ông bắt đầu tự học ở nhà, tỏ ra thông minh và nhanh trí.. Là người thuận tay trái, theo tài liệu chưa được xác minh, ông bị cấm viết bằng tay trái, do đó đã làm tổn thương tâm lý trẻ (có thể điều này dẫn đến bệnh nói lắp).
 
Dodgson muốn trở thành một linh mục giống như cha mình, vì vậy đã vào học tại khoa thần học, Đại học Oxford, nhưng ở đó ông lại thích toán học. Sau đó, ông đã dạy toán trong suốt một phần tư thế kỷ tại Christ Church, Oxford (1855-1881).
 
Ông bắt đầu sự nghiệp viết lách khi đang học Đại học. Ông làm thơ và viết truyện gửi đến nhiều tạp chí khác nhau dưới bút danh “Lewis Carroll”. Bút danh này được đặt theo lời khuyên của nhà xuất bản và nhà văn Yates. Nó được hình thành từ tên thật của tác giả “Charles Lutwidge”, tương ứng với tên “Karl” (latin –
Carolus) và “Louis” (latin – Ludovicus). Dodgson đã chọn những từ tương đương tiếng Anh khác có cùng tên và thay đổi chúng.   
 
Ngày 4 tháng 7 năm 1862, giáo sư Dodgson đi dạo với gia đình Henry Liddell. Trong chuyến đi này có Alice Liddell và hai chị gái của Alice, Dodgson đã kể câu chuyện về cuộc phiêu lưu của Alice. Ba chị em nhà Liddel đã thuyết phục Dodgson viết ra câu chuyện do ông bịa ra. Năm 1865, “Alice trong xứ sở thần tiên” được xuất bản thành một cuốn sách riêng với bút danh Lewis Carroll. Bản thân tác giả cũng coi “Alice” là truyện cổ tích dành cho người lớn và chỉ đến năm 1890 mới phát hành phiên bản dành cho trẻ em. Sau khi ấn bản đầu tiên của truyện được phát hành, độc giả đã gửi nhiều thư yêu cầu ông tiếp tục câu chuyện hấp dẫn này. Và Carroll đã viết “Alice trong gương” (xuất bản năm 1871).
 
Những cuốn sách về Alice không phải là những tác phẩm duy nhất của Carroll.
 
Bản thân nhà văn đã gọi những tác phẩm của mình là vô nghĩa (nonsense) và không coi trọng chúng. Ông coi công việc chính của cuộc đời mình là công trình toán học nghiêm túc dành riêng cho nhà toán học Hy Lạp cổ đại Euclid.
 
Các chuyên gia hiện đại tin rằng sự đóng góp khoa học chính của Dodgson là do các công trình của ông về logic toán học. Còn trẻ em và người lớn khắp thế giới lại đọc truyện cổ tích của ông một cách thích thú.
 
Dodgson chết vì bệnh viêm phổi sau bệnh cúm vào ngày 14 tháng 1 năm 1898 tại nhà của chị gái ông ở Guildford thuộc hạt Surrey, chỉ 4 ngày trước khi người bạn Henry Liddell qua đời. Hai tuần nữa ông sẽ bước sang tuổi 66. Tang lễ của ông được tổ chức tại Nhà thờ St. Mary gần đó. Thi thể của ông được chôn cất tại Nghĩa trang Mount ở Guildford.
 
Ông được tưởng niệm tại Nhà thờ All Saints ', Daresbury, trong các ô cửa sổ kính màu mô tả các nhân vật của “Alice ở xứ sở thần tiên”. Năm 1982, một phiến đá tưởng niệm Carroll được khánh thành ở “Góc Thi Sĩ” (Poets 'Corner) của Tu viện Westminster danh tiếng. 
 
3 bài thơ
 

TẤT CẢ Ở TRONG MỘT BUỔI CHIỀU VÀNG
 
Tất cả ở trong một buổi chiều vàng
Khi chúng tôi bơi thuyền rất thong thả
Bởi chèo thuyền là việc không hề dễ
Những cánh tay nhỏ bé vẫn nhịp nhàng
Theo dòng nước êm ả, chiếc thuyền con
Đưa chúng tôi đi về nơi xa lạ.
 
Bộ ba nghiệt ngã! Trong giờ như vậy
Dưới tiết trời đáng lẽ ngủ mơ màng
Đáng lẽ nghỉ ngơi, đáng lẽ nhìn sông
Thì ba cô gái đòi tôi chuyện kể
Chỉ một mình tôi làm sao có thể
Từ chối ba giọng nói vẻ cầu xin?
 
Cô thứ nhất lên tiếng: “Nào bắt đầu”
Có vẻ như cần làm ngay lập tức
Cô thứ hai: “Nhẹ nhàng hơn một chút
Chỉ cần những điều vô nghĩa mà thôi!”
Còn cô thứ ba ngắt lời chúng tôi
Không dưới một lần chỉ trong một phút.
 
Thế rồi đến lúc có sự lặng yên
Có vẻ như trong mơ đang tìm bắt
Những giấc mơ trẻ đi về vùng đất
Mới mẻ, hoang vu đầy nét diệu huyền
Nơi những con thú trò chuyện với chim
Khó mà tin rằng đấy là sự thật.
 
Cho đến khi ý tưởng dần cạn kiệt
Như mạch nước nguồn trong giếng đã khô
Thì tôi nói: “Ta dừng lại ở đây
Và có thể lần sau ta tiếp tục”
“Đây là lần sau! Lần sau là đây!”
Ba giọng nói kêu lên đầy hạnh phúc.
 
Và câu chuyện về xứ sở thần tiên
Cứ dần dần kéo dài ra như vậy
Có bao sự kiện lạ kỳ trong đấy
Cho đến lúc này câu chuyện đã xong
Còn chúng tôi – phi hành đoàn vui vẻ
Trở về nhà trong nắng buổi hoàng hôn.
 
Alice! Câu chuyện cho trẻ con
Trong những bàn tay dịu dàng hãy giữ
Có bao ước mơ tuổi thơ trong đó
Hãy nhớ giữ trong ký ức của mình
Giống như những người hành hương bảo vệ
Hoa mang về từ xứ sở xa xăm.
______________
*“Tất cả ở trong buổi một chiều vàng” là bài thơ mở đầu cho cuốn sách “Alice ở xứ sở thần tiên” (Alice's Adventures in Wonderland) in năm 1865 của Lewis Carroll. Carroll nhớ lại một “buổi chiều vàng” năm 1862, khi ông đi thuyền trên sông Thêm từ Oxford đến Godstow cùng với ba cô con gái của ngài Henry Liddell. “Cô thứ nhất” là Lorina (Prima) 13 tuổi, “Cô thứ hai” là Alice (Secunda) 10 tuổi và “Cô thứ ba” là Edith (Tertia) 8 tuổi. Alice đã truyền cảm hứng cho nhân vật chính của Carroll, Alice.
 
All in the golden afternoon
 
All in the golden afternoon
Full leisurely we glide;
For both our oars, with little skill,
By little arms are plied,
While little hands make vain pretence
Our wanderings to guide.
 
Ah, cruel Three! In such an hour,
Beneath such dreamy weather,
To beg a tale of breath too weak
To stir the tiniest feather!
Yet what can one poor voice avail
Against three tongues together?
 
Imperious Prima flashes forth
Her edict "to begin it"—
In gentler tones Secunda hopes
"There will be nonsense in it!"—
While Tertia interrupts the tale
Not more than once a minute.
 
Anon, to sudden silence won,
In fancy they pursue
The dream-child moving through a land
Of wonders wild and new,
In friendly chat with bird or beast—
And half believe it true.
 
And ever, as the story drained
The wells of fancy dry,
And faintly strove that weary one
To put the subject by,
"The rest next time—" "It is next time!"
The happy voices cry.
 
Thus grew the tale of Wonderland:
Thus slowly, one by one,
Its quaint events were hammered out—
And now the tale is done,
And home we steer, a merry crew,
Beneath the setting sun.
 
Alice! A childish story take,
And with a gentle hand,
Lay it where Childhood's dreams are twined
In Memory's mystic band,
Like pilgrim's withered wreath of flowers
Plucked in far-off land.
 
 


BÀI HÁT CHO BÚP BÊ CỦA BESSIE
 
Matilda Jane, em không bao giờ nhìn
Nhưng thứ đồ chơi hoặc sách ảnh đẹp.
Bởi những thứ đó đều là vô ích
Em bị mù, Matilda Jane, biết không!
 
Tôi hỏi em, tôi kể chuyện cho em
Nhưng những câu chuyện của tôi vô bổ
Không bao giờ em trả lời tôi cả
Em bị câm rồi, Matilda Jane!
 
Matilda yêu dấu, tôi gọi em
Nhưng dường như em không nghe gì cả.
Tôi hét lên, to đến mức có thể
Em bị điếc rồi, Matilda Jane!
 
Matilda Jane, em không phải bận tâm
Mặc dù em bị mù, em câm điếc
Nhưng có người yêu em rất chân thật
Người đó là tôi, Matilda Jane!
 
Bessie's Song To Her Doll
 
Matilda Jane, you never look
At any toy or picture-book.
I show you pretty things in vain
You must be blind, Matilda Jane!
 
I ask you riddles, tell you tales,
But all our conversation fails.
You never answer me again
I fear you're dumb, Matilda Jane!
 
Matilda darling, when I call,
You never seem to hear at all.
I shout with all my might and main
But you're so deaf, Matilda Jane!
 
Matilda Jane, you needn't mind,
For, though you're deaf and dumb and blind,
There's some one loves you, it is plain
And that is me, Matilda Jane!
 
 

JABBERWOCKY
 
Chuyện kể rằng xưa có con quái vật
Móng vuốt sắc, đôi mắt nó đỏ bừng
Khi nằm bên sông, khi ở trong rừng
Tiếng gầm của nó vô cùng khủng khiếp.
 
“Hãy coi chừng Jabberwock, con trai!
Hàm nó cắn, móng nó dùng để bắt!
Và coi chừng loài chim Jubjub
Người Bandersnatch dữ nhất đời!”
 
Nhưng người con trai đi mài sắc kiếm
Trong một thời gian phóng ngựa đi tìm
Rồi chàng ngồi nghỉ dưới cây Tum Tum
Và suy nghĩ một hồi trong im lặng.
 
Trong lúc đó, ở gần nơi chàng đứng
Jabberwock với đôi mắt đỏ bừng
Đi xuyên qua những bụi cây trong rừng
Và gầm lên khủng khiếp khi nó đến!
 
Một hai, một hai… chàng giơ thanh kiếm
Rồi đâm vào con quái vật thật mau
Con quái vật đã chết, chàng chặt đầu
Mang theo mình trở về nơi chàng đến.
 
“Có thật con đã giết Jabberwock?
Hãy để cha ôm con nhé, con trai
Thật tuyệt vời, ngày vui nhất là đây!”
Và ông cười thầm trong niềm hạnh phúc.
 
Chuyện kể rằng xưa có con quái vật
Móng vuốt sắc, đôi mắt nó đỏ bừng
Khi nằm bên sông, khi ở trong rừng
Tiếng gầm của nó vô cùng khủng khiếp.
____________
*Jabberwocky – một trong những bài thơ hay nhất của thơ vô nghĩa (nonsensical poetry) – được Carroll đưa vào chương I của cuốn “Alice ở trong gương” (Through the Looking-Glass and What Alice Found There), dịch sát từng chữ sẽ là “Nhìn qua gương soi, và Alice tìm thấy gì?” Nó cũng được coi là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca nhân loại nói chung.
 
Jabberwocky
 
`Twas brillig, and the slithy toves
Did gyre and gimble in the wabe:
All mimsy were the borogoves,
And the mome raths outgrabe.
 
«Beware the Jabberwock, my son!
The jaws that bite, the claws that catch!
Beware the Jubjub bird, and shun
The frumious Bandersnatch!»
 
He took his vorpal sword in hand:
Long time the manxome foe he sought —
So rested he by the Tumtum tree,
And stood awhile in thought.
 
And, as in uffish thought he stood,
The Jabberwock, with eyes of flame,
Came whiffling through the tulgey wood,
And burbled as it came!
 
One, two! One, two! And through and through
The vorpal blade went snicker-snack!
He left it dead, and with its head
He went galumphing back.
 
«And, has thou slain the Jabberwock?
Come to my arms, my beamish boy!
O frabjous day! Callooh! Callay!»
He chortled in his joy.
 
`Twas brillig, and the slithy toves
Did gyre and gimble in the wabe;
All mimsy were the borogoves,
And the mome raths outgrabe.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét