Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Thơ William Butler Yeats


William Butler Yeats (1865-1939) - nhà thơ, nhà soạn kịch Ai-len đoạt giải Nobel Văn học năm 1923 “cho những sáng tạo thơ ca đầy cảm hứng, bằng một hình thức nghệ thuật cao đã tái tạo tinh thần của cả một quốc gia”. Yeats là một trong những nhân vật quan trọng nhất của văn học thế kỷ 20, một trụ cột của cả hai nền văn học Ailen và Anh. Ông có sự ảnh hưởng rất lớn đến thơ ca tiếng Anh trong thế kỷ 20. Sinh ra giữa thời đại mà quê hương Ailen của ông bắt đầu thức dậy một phong trào yêu nước, đỉnh cao là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc 1919 -1923. Thời đại này đã mang lại một xung lực cho sáng tác của ông.

Tiểu sử:
Sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ. Bố là họa sĩ chân dung nổi tiếng, em trai cũng trở thành một họa sĩ lớn của Ai-len. Bản thân Yeats cũng từng học trường nghệ thuật và có ý định sẽ sống bằng nghề hội họa nhưng thơ ca đã xâm chiếm tâm hồn ông ngay từ những thành công đầu tiên. Năm 1868 cả gia đình chuyển đến London, năm 1880 trở về Dublin và năm 1887 quay lại London. Tại đây ông bắt đầu in những bài thơ và kịch đầu tiên trên các báo và tạp chí. Năm 1889 xuất bản cuốn sách đầu tiên Những cuộc viễn du của Oisin và các bài thơ khác, trường ca Những cuộc viễn du của Oisin – tác phẩm chính của tập sách này dựa theo những mô-típ dân gian của Ai-len. Cũng trong thời gian này Yeats gặp gỡ và làm quen với nữ nghệ sĩ Maud Gone – một trong những thủ lĩnh của phong trào giải phóng dân tộc Ai-len, tham gia tích cực vào phong trào “Phục hưng Ai-len”. Mục đích của phong trào này là phục hồi tiếng Gaelic, tìm hiểu văn hoá và lịch sử Ai-len, sáng tác những tác phẩm dựa trên những huyền thoại, truyền thuyết của Ai-len, thành lập nhà hát dân tộc. Năm 1904 Yeats cùng với một số bạn bè thành lập “Nhà hát Abbas” và làm giám đốc nhà hát này đến năm 1938.

Sau năm 1910, các vở kịch nghệ thuật của W. Yeats chuyển hướng đột ngột sang viết bằng thơ, phong cách bí ẩn, có nhiều khoảng trống. Những vở kịch sau đó (ông viết cho số ít khán giả chọn lọc) là những thử nghiệm với vũ điệu, âm nhạc và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những vở kịch Noh của Nhật Bản. Từ năm 1922 đến năm 1928 W. Yeats là thượng nghị sĩ của Nhà nước Ireland tự do, tham gia nhiều hoạt động chính trị ở Ireland, sáng tác của ông thời kỳ này mất dần tính lãng mạn và trở nên thâm trầm sâu sắc. Hai tác phẩm đáng chú ý cuối cùng của ông là Rằm tháng Ba (1935) và Những bài thơ và những vở kịch cuối cùng (1940).

Thơ ca của Yaets mang đậm hơi thở, phong cách dân tộc Ai-len. Nhiều đề tài, hình tượng trong thơ ông được lấy từ kho tàng thơ ca dân gian kết hợp với khuynh hướng biểu tượng và lãng mạn trữ tình. Tác phẩm của ông giàu hình tượng với những quan sát tinh tế, kết hợp vẻ đẹp bên ngoài với chiều sâu trí tuệ bên trong. 


William Butler Yeats  mất ngày 28 tháng 1 năm 1939 tại Hôtel Idéal Séjour, ở Menton, miền nam nước Pháp và được mai táng ở đây, đến tháng 9 năm 1948 được tàu của Hải quân Ailen hộ tống chuyển về an táng tại làng Drumcliff, quận Sligo, Ailen.   

Tác phẩm:
*Những cuộc viễn du của Oisin và các bài thơ khác (The wandering of Oisin and other poems, 1889), thơ.
*John Sherman (1891), tiểu thuyết.
*Nữ bá tước Cathleen (The countess Cathleen, 1892),kịch thơ.
*Tặng bông hồng trên con đường thời gian (To the rose upon the road of time, 1893), thơ.
*Xứ sở ham muốn của con tim (The land of heart’s desire, 1894), kịch thơ.
*Những ngã tư đường (Crossways, 1889), tập thơ.
*Hoa hồng (The rose, 1893), tập thơ.
*Gió trong bãi sậy (The wind among the reeds, 1899), thơ.
*Catheleen con gái Houlihan (Catheleen ni Houlihan, 1902), thơ.
*Đồng hồ cát (The hour glass, 1903), kịch.
*Trong bảy cánh rừng (In the seven woods, 1903), thơ.
*Trước cửa Vua (The King’s thereshold, 1904), kịch thơ.
*Nồi nước sốt (The pot of broth, 1904), hài kịch.
*Bóng nước (The shadowy waters, 1906), kịch thơ.
*Chiếc mũ màu xanh (The green helmet, 1910), thơ.
*Trách nhiệm (Responsabilities, 1914), thơ.
*Lễ Phục Sinh (Easter, 1916), thơ.
*Bên giếng diều hâu (At the Hawk's well, 1916), kịch.
*Những giấc mơ của xương (The dreaming of the bones, 1919), kịch.
*Thiên nga ở Coole (The wild’s swans at Coole, 1919), thơ.
*Bốn vở kịch cho vũ nữ (Four plays for the dancers, 1921), thơ.
*Michael Robartes và vũ nữ (Michael Robartes and dancer, 1921), thơ.
*Hoàng hậu - diễn viên (The player queen, 1922), kịch.
*Bóng hình (A vision, 1925; tái bản 1937), tiểu luận.
*Con mèo và mặt trăng (The cat and the moon, 1926), kịch.
*Bảy bài thơ và một đoạn (Seven poems and one fragment, 1927), thơ.
*Đám tang Parnell (Parnell's funeral, 1932, in 1935), thơ.
*Cầu thang xoáy ốc và những bài thơ khác (The winding stair and other poems, 1933), thơ.
*Vua những đồng hồ tháp lớn (The king of the great clock tower, 1935), kịch.
*Rằm tháng Ba (A full moon in March, 1935), thơ.
*Lời nguyền Cromwell (The curse of Cromwell, 1937), thơ.
*Cái chết của Cuchulain (The death of Cuchulain, 1939), kịch. 


Một số bài thơ


KHI EM ĐÃ GIÀ(1)
(When You Are Old)

Khi em đã già, mái tóc điểm bạc
Một mình em bên bếp lửa, cúi đầu
Em mở cuốn sách này, hãy đọc thật lâu
Có bóng xưa toả ra từ ánh mắt.

Biết bao kẻ yêu vẻ vui tươi phút chốc
Yêu vẻ đẹp của em, giả dối hoặc chân thành
Nhưng chỉ một người yêu tâm hồn hành hương của em
Và yêu nét buồn đổi thay trên gương mặt.

Em cúi xuống, giọng thì thào, khoan nhặt
Đượm vẻ buồn sao tình vội qua mau
Tình vút bay lên tận đỉnh núi cao
Giữa đám đông các vì sao giấu mặt.
_________
(1)Bài thơ này viết về người yêu, ngưòi đẹp, nữ nghệ sĩ Maud Gonne – một trong những thủ lĩnh của phong trào giải phóng dân tộc Ailen. Nhờ sự ảnh hưởng của Maud Gonne mà Yeats đã xác định cho mình vị trí trong cuộc đấu tranh vì độc lập của Ailen…
Bài thơ này mang sự ảnh hưởng rất chi tiết một bài sonnê nổi tiếng của Pierrè Ronsard (1524-1585) “Quand vous serez bien vieille, au soir à la chandelle…”



NỖI BUỒN CỦA TÌNH YÊU

(The Sorrow Of Love)

Dưới mái hiên chim sẻ kêu ríu rít
ánh trăng thanh và cả dải ngân hà
Và tiếng lá đang hoà âm xào xạc
át tiếng khóc than nhân thế mờ xa.

Nàng thiếu nữ bờ môi hồng ảm đạm
Tựa hồ như đau đớn cả trần gian
Nàng giống như Odyssey bi thảm
Như vua Priam trước cái chết hiên ngang.

Và trỗi dậy, tiếng chim kêu ríu rít
Và giữa bầu trời buồn bã ánh trăng
Và tất cả tiếng lá cây xào xạc
Hòa nhập vào tiếng khóc của trần gian.



ĐI VÀO BUỔI HOÀNG HÔN
(Into the Twilight)

Nào, con tim, hãy quên hết xiềng gông
Hãy xua đi ý nghĩ về phải, trái
Hãy cười lên trong hoàng hôn tê tái
Hít thở vào giọt sương buổi bình minh.

Mẹ của em Eire mãi mãi trẻ trung
Sương vẫn trong và hoàng hôn tê tái
Dù hy vọng đổ vào trong lửa cháy
Của tình yêu bị vu khống chết dần.

Nào con tim, hãy đến ngọn đồi con
Nơi bí ẩn muôn đời tình huynh đệ
Nơi mặt trời, mặt trăng và cây dẻ
Ta nhận về ý chí của dòng sông.

Và Chúa Trời sẽ đứng đấy một mình
Và cuộc đời, thời gian còn bay mãi
Và tình yêu không dịu êm bằng hoàng hôn tê tái
Và hy vọng không quí bằng sương buổi bình minh.


NGƯỜI YÊU KỂ VỀ BÔNG HỒNG NỞ TRONG TIM

(The Lover Tells Of The Rose In His Heart)

Tất cả những gì buồn bã trên đời: nghèo nàn, già cũ
Tiếng kẽo kẹt bánh xe, tiếng trẻ khóc bên đường
Vẻ mệt mỏi của thợ cày, tia nước lạnh mùa đông
Làm sai hình ảnh của em, bông hồng trong tim anh đang nở.

Thật đã lắm nỗi buồn, anh muốn xây lại nó
Trên ngọn đồi cô đơn sẽ trải một màu xanh
Để Đất và Trời sẽ biến thành một cái tráp vàng
Đựng giấc mơ về em, bông hồng trong tim anh đang nở.


TÂM TRẠNG

(The Moods)

Thời gian đang phân hủy
Như ngọn nến lụi tàn
Núi rừng và cây cối
Vẫn sống ngày của mình
Có điều chi nguồn cội
Trong tâm trạng lửa sinh
Hay là đang tàn lụi?


GIỮA RỪNG CÂY DƯƠNG LIỄU

(Down by the Salley Gardens)

Tôi và em gặp nhau giữa rừng cây dương liễu
Bàn chân của em nhẹ nhàng rảo bước giữa rừng dương
Hãy yêu em - nàng bảo tôi - như những chiếc lá trên cành
Nhưng tôi dại dột, trẻ con, với nàng tôi không chịu.

Trên bãi đất nhỏ bờ sông - nàng đứng bên tôi
Bàn tay nàng nhẹ nhàng đặt trên vai tôi như là chiếc lá
Hãy yêu em - nàng bảo tôi - như đập nước yêu cây cỏ
Nhưng tôi trẻ con, dại dột... để bây giờ nước mắt đầy vơi.



ANH MUỐN TẤM VẢI BẦU TRỜI
(He Wishes for the Cloths of Heaven)

Giá mà anh có tấm vải bầu trời
Và trong đó ánh sáng vàng hay bạc
Vải màu tối, màu xanh hay màu khác
ánh sáng lung linh đêm cũng như ngày.

Thì anh sẽ căng vải dưới chân em
Nhưng khổ thân anh, chỉ là mơ ước
Anh trải ước mơ dưới bàn chân em
Em nhẹ nhàng lên giấc mơ hãy bước.


RỪNG CÂY XÀO XẠC

(The Ragged Wood)

Em hãy về miền nước hồ lấp lánh
Cùng chú hươu với tiếng thổn thức tình
Và khi đó hãy ngắm nhìn hình ảnh
Chẳng có ai yêu như em và anh!

Em sẽ thấy nữ hoàng rất kiêu hãnh
Với đôi hài trượt xuống tự trời xanh
Khi mặt trời trong ánh vàng lấp lánh
Chẳng có ai yêu như em và anh!

Em hãy về miền rừng cây xào xạc
Anh muốn kêu lên với những người tình:
Ôi cuộc đời, ôi màu vàng mái tóc
Chẳng có ai yêu như em và anh!


NÀNG TIÊN CÁ

(The Mermaid)

Có một chàng trai bơi trong nước
Chìm theo vẻ đẹp của nàng tiên
Nàng tiên cá ép chàng vào thân mình
Nàng mỉm cười kéo chàng xuống vực
Mà quên rằng ngay cả trong hạnh phúc
Thường vẫn hay chìm đắm những người tình.


MẤT MÁT GÌ

(What Was Lost)

Tôi hát về mất mát, tôi sợ thành công
Và lại như xưa tôi bước vào trận đánh
Với mất mát của mình, dù vua hay người lính
Bàn chân đứng hay đi, tôi xếp đặt cho mình
Trên đá nhỏ bước chân đều vẫn giậm.


THƯƠNG TÌNH

(The Pity Of Love)

Lòng thương hại đến vô cùng
Trong trái tim yêu trú ẩn
Những đám mây trên cuộc hành trình
Của những người mua và bán
Và một cơn gió lạnh
Bóng cây phi tử chơi vơi
Còn nước bây giờ màu xám
Hãy coi chừng tình yêu của tôi.



THƠ MỘ CHÍ SWIFT
(Swift's Epitaph)

Swift ngàn thu yên giấc
Tức giận một thuở đã từng
Không còn xé tan lồng ngực.
Cho người đời sẽ noi gương
Anh từng là người lữ khách
Vì tự do của quê hương.


CHÉN NƯỚC CẠN KHÔ

(The Empty Cup)

Chàng điên tìm ra chén nước
Khi mà chết khát nhân dân
Không dám làm cho môi ướt
Sợ ánh trăng sẽ rủa nguyền.
Chỉ vừa mới nhấp một hớp
Thì con tim đã vỡ tung.
Tôi cũng tìm ra chén nước
Nhưng mà chén nước cạn khô
Vì thế tôi cũng hoá rồ
Và suốt đêm không ngủ được.


SAU ĐÓ LÀ GÌ

(What Then?)

Bạn bè xưa trong lớp học cho rằng
Nó sẽ trở thành người nổi tiếng
Nó vẫn suy nghĩ và sống như thường
Còn tất cả bạn bè lao động
“Sau đó là gì?” lời nhà triết học còn vang.

Mọi người đọc những gì nó viết
Thế rồi theo tháng năm
Nó làm ra nhiều tiền bạc
Bè bạn, bạn bè quả thực
“Sau đó là gì?” lời nhà triết học còn vang.

Những thứ nó ước mơ trở thành hiện thực
Có vợ, có nhà, có con gái, con trai
Có vườn nho, có vườn rau cải bắp
Trong số các nhà thơ nó là người thành đạt
“Sau đó là gì?” còn vang vọng những lời.

“Công việc đã xong – nó thầm nghĩ bụng –
Ta muốn một điều như thuở bé con
Chuyển về số không, cứ cho là ngớ ngẩn
Bởi ta mang lại một điều lý tưởng”
Nhưng “sau đó là gì?” lời chiếc bóng còn vang.




BÀI CA PHỤ NỮ II
 (The Lady's Second Song)

Người đàn ông nào đến
Nằm ở dưới chân ta
Thì phận ta đàn bà
Ta làm cho thỏa mãn.
Những bông hoa ngát hương
Ta rắc đầy trên giường
Xin Chúa Trời độ lượng.

Tình yêu người khao khát
Làm mê hoặc tâm hồn
Tình chỉ yêu thể xác
Chứ tình không yêu hồn.
Tình trong tình hai mặt
Nhưng bản chất một phương
Xin Chúa Trời độ lượng.

Tâm hồn cần phải học
Tình yêu ngự trong lòng
Tình yêu theo thói thường
Cao thượng và thú vật
Nhìn ngắm hay ve vuốt
Đâu hạnh phúc nhiều hơn?
Xin Chúa Trời độ lượng.


BÀI CA PHỤ NỮ III

(The Lady's Third Song)

Khi em với người gặp gỡ chân tình
Khi chàng hân hoan dưới bàn chân em
Với hồn mình em nhớ đừng phụ bạc
Đừng nghĩ rằng chàng chỉ cần thể xác
Người phụ nữ khi yêu sẽ biết rằng
Thân xác so cùng cái ác tồi hơn
Tình phân chia đều đặn trong danh dự
Không kém, không hơn cùng chung phận số
Để cho nụ hôn êm ái của tình
Không phải như lời con rắn nỉ non
Hãy đưa bàn tay sờ lên thể xác
Và thiên thần chốn thiên đàng thổn thức.



CON TIM PHỤ NỮ
(The Heart Of The Woman)

Căn phòng nhỏ có để làm gì đâu
Và nguyện cầu, nghỉ ngơi trong tĩnh lặng
Chàng dẫn tôi đi về miền u ám
Chúng tôi nằm ngực sát ngực bên nhau.

Tôi đâu có cần gì mẹ lo âu
Ngôi nhà đây, nơi này tôi sưởi ấm
Bóng đen của mái tóc tôi dày rậm
Giấu hai người khỏi những nỗi buồn đau.

Giấu trong mái tóc và đôi mắt khát khao
Tôi chẳng cần cuộc đời hay cái chết
Con tim chàng và tim tôi hoà nhập
Chúng tôi hít vào hơi thở của nhau.


MÔ PHỎNG THƠ HAIKU CỦA NHẬT

(Imitated From The Japanese)

Một điều làm tôi kinh ngạc nhất
Là tôi đã sống bảy mươi năm.

(Hoan hô hoa của mùa xuân
Vì mùa xuân nơi này lại đến).

Bảy mươi năm tôi đã sống
Không phải là người nghèo khổ, ăn xin
Bảy mươi năm tôi đã sống
Bảy mươi năm, cậu bé rồi đàn ông
Chưa bao giờ tôi nhảy vì sung sướng.


ẤN ĐỘ DÀNH CHO TÌNH YÊU

(The Indian To His Love)

Một hòn đảo mơ màng dưới bình minh
Những cành cây êm đềm trong tĩnh lặng
Chim công múa trên bãi cỏ mịn màng
Chú vẹt đung đưa nhảy nhót trên cành
Ngó chằm chặp bóng mình trong nước biển.

ở nơi này con tàu ta cập bến
Và ta lang thang tay nắm trong tay
Môi kề môi trong êm ái thì thào
Trên cỏ hoa và trên bờ cát trắng
Rằng cõi muộn phiền ở chốn xa xôi.

Ta bên nhau, xa cách với cuộc đời
Ta giấu mình trong cỏ hoa êm ả
Tình cháy lên bằng ngôi sao ấn Độ
Ngôi sao băng như lửa của con tim
Như sóng vỗ bờ, như cánh của chim.

Bồ câu trắng vờn bay trong rừng rậm
Một trăm ngày thở than và ai oán:
Khi ta chết đi bóng ta vẫn nơi này
Khi những con đường của chim đứt quãng
Bóng vẫn mơ màng trên sóng nước, trên mây.



CHỌN LỰA
(The Choice)

Trí tuệ con người dùng cho chọn lựa
Để hoàn hảo hơn trong công việc, trong đời
Nếu cho cái đầu tiên, cần chối bỏ
Những nghĩ suy về cung điện trên trời.

Có tin tức gì, khi kết thúc câu chuyện
May mắn hay không ở điểm cuối cùng
Bối rối nhìn vào hầu bao trống rỗng
Phù phiếm của ngày, hối hận của đêm.


CÁI CHẾT

(Death)

Không hy vọng, chẳng kinh hoàng
Loài động vật trong ngày chết
Còn con người đợi ngày kết thúc
Với hy vọng và nỗi kinh hoàng.
Con người chết không chỉ một lần
Không chỉ một lần ngã xuống
Rồi lại đứng lên kiêu hãnh
Vững vàng trong cuộc đấu tranh
Khó khăn, gian khổ coi thường
Hơi thở căng đầy trong ngực
Với cái chết đã từng quen
Con người tạo nên cái chết.


BÀI HÁT RU

(A Cradle Song)

Thiên thần đang bay xuống
Trên chiếc giường của con
Thiên thần giờ đã chán
Lời người chết thở than.

Chúa nhìn con hạnh phúc
Mỉm cười từ trên trời
Bảy người bơi trong nước
Đang cầu nguyện cho Ngài.

Mẹ âu ếm hôn con
Thở dài trong lặng lẽ
Mai này mẹ sẽ buồn
Khi mà con khôn lớn.


KHÔN LÊN THEO THỜI GIAN

 (The coming of wisdom with time)

Dù lá có nhiều nhưng cây chỉ một
Ngày tháng dù nhiều – tuổi trẻ của tôi
Như lá, như hoa ở dưới mặt trời
Chỉ bây giờ mới hiểu ra sự thật.


LỜI CHÚC RƯỢU

(A Drinking Song)

Rượu ngấm qua làn môi
Tình cháy lên trong mắt
Những sự thật ở đời 
Trước khi già rồi chết.
Anh đưa ly lên môi
Nhìn em rồi thổn thức.



ĐẢO INNISFREE TRÊN HỒ 

(The Lake Isle of Innisfree)

Ta sẽ thức dậy lên đường, trở về Innisfree
Ta sẽ dùng đât sét để xây ngôi nhà nhỏ
Trồng chín luống đậu, gọi bầy ong làm tổ
Và sẽ sống một mình trong tiếng của bầy ong.

Ở đó sẽ bình yên, thanh tịnh đến lặng ngừng
Yên tĩnh qua màn sương, ngập tràn trong tiếng hót
Nửa đêm có màu hồng còn giữa trưa tím ngát
Chim vỗ cánh không ngừng trong những buổi chiều êm.

Ta sẽ thức dậy lên đường, ngày cũng như đêm
Ta vẫn nghe con sóng nhẹ vỗ bờ từ hồ nước
Dù đứng bên đường hay trên vỉa hè xám ngắt
Vẫn nghe tiếng gọi ta từ sâu thẳm cõi lòng. 
__________________________
*Innisfree (Inis Fraoigh – Đảo của loài hoa Calluga Vulganis), một hòn đảo nhỏ trong hồ Lough Gill, quận Sligo, Ireland. 
**Những lời mở đầu bài thơ: I will arise and go… là những lời trích từ câu chuyện về đứa con trai bỏ nhà đi phiêu bạt trong Kinh Thánh (bản tiếng Anh). Bản tiếng Việt tương đương: “Ta sẽ đứng dậy, trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa, xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy. Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình”. (Luca_15: 18-20). 



Wystan Hugh Auden viết về Yeats:


TƯỞNG NHỚ W. B. YEATS
(Mất tháng giêng năm 1939)

Anh ra đi giữa băng giá mùa đông
Sông đóng băng, những phi trường hoang vắng
Tuyết trắng rơi, phủ đầy lên bức tượng
Rót xuống miệng của ngày một giọt thủy ngân
Dường như mọi thiết bị đo đếm cũng đồng tình
Ngày anh ra đi tối tăm và giá lạnh.

Cách xa những ngày đau ốm của anh
Chó sói hãy còn chạy giữa rừng xanh.
Dòng sông quê không còn mê bờ đẹp
Và ngôn ngữ của đám tang
Ngăn cách thơ anh và cái chết.

Nhưng với anh, ngày cuối, như chính anh
Ngày của tin đồn và những cô y tá
Đặt lên thi thể vẻ không yên
Và hoang vu cả quãng trường lý trí.
Vùng ngoại ô bao trùm lên lặng lẽ
Những cảm giác dường như lặng ngừng
Anh trở thành người cho đời ngưỡng mộ.

Và bây giờ lan tỏa trong hàng trăm thành phố
Anh mang cho những cảm giác không quen
Để hạnh phúc trong cõi khác
Và xử phạt theo bộ luật của lương tâm
Lời của người đã chết
Cùng với người đang sống ở trần gian.

Nhưng sự quan trọng của ngày mai trong tiếng ồn
Nơi những người môi giới om sòm trên sàn chứng khoán
Nơi những kẻ nghèo khổ sở vì nghèo túng
Và mỗi người đều có tự do của mình
Nhưng cái ngày này không một ai hờ hững
Như ý nghĩ về một ngày không bình thường
Dường như mọi thiết bị đo đếm cũng đồng tình
Ngày anh ra đi tối tăm và giá lạnh.



T.S. Eliot viết về Yeats (1)

Trong thời đại chúng ta, thời gian sáng tạo của một thế hệ các nhà thơ là khoảng hai mươi năm. Tôi không muốn nói rằng chỉ trong giới hạn này có thể tạo ra những tác phẩm hay nhất: hai mươi năm - khoảng thời gian phân cách một trường phái thơ hay một phong cách thơ với những trường phái hay phong cách khác. Đó là, khi nhà thơ năm mươi tuổi, người đương thời lớp trước là bảy mươi, còn lớp sau là ba mươi. Đấy là vị trí của tôi hôm nay, và nếu tôi sống thêm hai mươi năm nữa, thì chắc là sẽ thấy một trường phái thơ mới. Tuy nhiên, thái độ của tôi đối với Yeats không phù hợp với sơ đồ này. Khi tôi còn trẻ và học ở trường đại học ở Mỹ và chỉ mới bắt đầu làm thơ, Yeats đã nổi tiếng trong thế giới của thơ ca, phong cách ban đầu của ông đã hoàn chỉnh. Tôi không nhớ rằng tại thời điểm đó thơ của ông đã tạo cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Một thanh niên còn rất trẻ, mà lại là nhà thơ, không nghiêng mình như vậy để đánh giá, phê bình, hoặc ít ra là quan tâm đến một loạt các nhà thơ. Anh ta đi tìm kiếm một người thầy để giúp anh ta hiểu những gì anh ta muốn nói, những gì thơ anh ta có thể sáng tạo ra. Nhà thơ trẻ có cảm xúc mạnh nhưng hẹp: chúng được xác định bởi nhu cầu cá nhân. Tôi đi tìm kiếm thứ thơ mà có thể dạy cho tôi sử dụng tiếng nói của riêng tôi, và tôi không thể tìm thấy nó ở văn học Anh, - nó chỉ tồn tại ở văn học Pháp. Vì lý do này, thơ của Yeats thời trẻ ít chạm vào tôi, và chỉ sau đó Yeats mới chiếm được trái tim tôi, và theo thời gian - đó là sau năm 1919, - con đường riêng của tôi đã được xác định. Vì vậy, một mặt, tôi nhìn Yeats như là một người đương thời, hơn là người tiền nhiệm, nhưng mặt khác, tôi chia sẻ những cảm xúc của những người trẻ tuổi, những người biết và ngưỡng mộ những gì ông viết từ sau năm 1919, khi chính họ ở trong bước khởi đầu. 

Tất nhiên, đối với các nhà thơ trẻ của Anh và Mỹ niềm đam mê với thơ của Yeats vô cùng có lợi, tôi chắc chắn với điều này. Cách diễn đạt của ông là độc đáo, khác thường loại bỏ sự nguy hiểm của việc bắt chước, sự đánh giá của ông cũng quá khác thường để mà tâng bốc hay chấp nhận những định kiến của họ. Hữu ích cho họ là có trước mặt một nhà thơ lớn đương thời mà để bắt chước, họ không cảm thấy bất kỳ sự cám dỗ nào và ý tưởng của người này trái ngược với những thứ được coi là thịnh hành khi đó. Trong thơ của họ bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng về sự ảnh hưởng của ông, nhưng dù sao, thơ của ông và bản thân ông là một nhà thơ có một ý nghĩa rất lớn đối với họ. Có vẻ rằng ở đây tôi mâu thuẫn với những lời của mình về thứ thơ thường được các nhà thơ trẻ ngưỡng mộ. Nhưng tôi đang nói về một chuyện khác. Vai trò Yeats sẽ không đáng kể như vậy nếu ông đã không trở thành một nhà thơ lớn, nhưng tôi muốn nói về sự ảnh hưởng của ông như là một nghệ sĩ, về sự đam mê của ông cho nghệ thuật của mình, điều này đã mang lại một động lực cho sự phát triển tài năng xuất chúng của ông. Khi đến London, ông thích gặp gỡ với các nhà thơ trẻ và nói chuyện với họ. Người ta đôi khi nói về ông là kiêu ngạo và độc đoán. Tôi không bao giờ nghĩ như vậy, tôi luôn nghĩ rằng ông nói với những người trẻ tuổi như là đồng nghiệp, những người cùng có bí mật như vậy. Theo tôi, thực tế là không giống như nhiều người khác, ông đặt nghệ thuật cao hơn danh tiếng của mình hoặc hình ảnh là một nhà thơ. Nghệ thuật cao hơn người nghệ sĩ: và cảm giác này ông truyền cho những người khác, đó là lý do tại sao những người trẻ tuổi luôn dễ dàng giao tiếp với ông.  

Điều này, tôi chắc chắn, là một phần bí mật của khả năng duy trì một người đương thời thường xuyên, bất chấp vai trò của một bậc thầy đã được thừa nhận. Một lý do khác - sự phát triển liên tục mà tôi đã nói. Và điều đó hầu như đã trở thành điểm chung trong các bài phê bình về sáng tạo của ông. Tuy nhiên, người ta thường nói rằng nguyên nhân và bản chất của sự phát triển này vẫn chưa được phân tích. Một lý do, tất nhiên, chỉ đơn giản là cống hiến hết mình và làm việc liên tục. Còn đằng sau những thứ này là tính cách: tôi muốn nói đến tính cách đặc biệt của người nghệ sĩ, sức mạnh tinh thần, cái này đã cho phép Dickens trong những năm trưởng thành của mình, khi đã cạn kiệt nguồn cảm hứng vẫn tạo ra một kiệt tác như “Ngôi nhà lạnh lẽo” (Bleak House), hoàn toàn không giống với tất cả những gì ông đã viết trước đó. Thật khó khăn để thực hiện bất kỳ khái quát nào về các phương pháp sáng tạo – mỗi người có một cách riêng của mình – nhưng kinh nghiệm của tôi nói với tôi rằng ở tuổi trung niên, người ta có ba lựa chọn: hoặc là ngừng viết hoàn toàn, hoặc lặp lại chính mình, mà có thể với một nghệ thuật điêu luyện hơn, hoặc cố gắng để thích ứng với độ tuổi trung niên và tìm một con đường khác để làm việc. Tại sao hầu như không có ai đọc những tác phẩm về sau có phần còn dài hơi hơn của Browning và Swinburne? Tôi nghĩ rằng bởi vì chúng ta tìm thấy Browning và Swinburne của mình ở những gì họ đã viết trước đó, trong khi giai đoạn sau chỉ nhắc nhở chúng ta về sự tươi mát mà thơ của họ đã bị mất, không có phẩm chất mới nào để thay thế. Đối với công việc trong lĩnh vực ý tưởng trừu tượng (nhưng mà ở đâu, ngoại trừ toán học, có thể là hoàn toàn ý tưởng trừu tượng?), không quan trọng là những cảm xúc vẫn còn như thời tuổi trẻ, hoặc bị teo dần theo thời gian khi trí tuệ trưởng thành. Đối với nhà thơ thì sự trưởng thành trong sáng tạo nghĩa là sự trưởng thành của anh ta như là một con người, nghĩa là những cảm xúc khác nhau phù hợp với độ tuổi của mình, những cảm xúc, tuy nhiên, không ít mạnh mẽ hơn so với khi còn trẻ.

Có một hình thức phát triển – hình thức hoàn hảo – như sự phát triển của Shakespeare, một trong số ít những nhà thơ có tác phẩm ở giai đoạn cuối là không thua kém các tác phẩm viết trước đó. Nhưng giữa Shakespeare và Yeats, theo tôi, có một sự khác biệt mà  nhờ nó, Yeats còn đáng tìm hiểu hơn. Ở Shakespeare ta có thể quan sát thấy một sự tiến triển dần dần trong nghệ thuật thi ca, sự hoàn thiện của giai đoạn cuối đã được nhìn thấy ở phần trước đó. Ngoại trừ những bài thơ đầu tiên, về mỗi tác phẩm có thể nói: “Đây là sự thể hiện hoàn hảo của những gì ông đã đạt được ở giai đoạn này”. Nói chung, mỗi bước bất kỳ về phía trước, nhà thơ lại đã nói được một cái gì đó mới, và đã làm điều đó rất tốt, ngay cả trong tuổi trung niên – và đấy là một điều kỳ lạ. Nhưng trong trường hợp của Yeats, tôi nghĩ rằng chúng ta có một ví dụ về một dạng khác của sự phát triển. Tôi không muốn tạo ra ấn tượng rằng tôi xem xét tác phẩm của ông ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối như là những tác phẩm của hai nhà thơ khác nhau. Xem xét kỹ hơn các tác phẩm sau này, và sau đó quay trở lại với các tác phẩm trước đây, ta nhận thấy rằng về kỹ thuật, chúng ta có thể quan sát một sự phát triển chầm chậm, một sự phát triển dần dần của cùng một ngôn ngữ và phong cách. Và mặc dù tôi đang nói về sự phát triển, tôi không phủ nhận rằng nhiều bài thơ thời kỳ đầu của ông tuyệt vời như chúng đang có và chỉ có thể như thế. Một số bài, ví dụ “Who goes with Fergus?” (Ai tiếp theo Fergus?) với thể loại như vậy là không hề thua kém những bài thơ hay nhất của văn học bằng tiếng Anh. Nhưng ngay cả những bài thơ hay và nổi tiếng nhất vẫn có nhược điểm là chúng tạo ra ấn tượng như nhau trong bối cảnh các bài thơ khác của nhà thơ trong cùng một thời kỳ, cũng như trong “Tuyển tập thơ”. 

Tôi sử dụng thuật ngữ “Tuyển tập thơ” ở đây theo nghĩa khá đặc biệt. Trong bất kỳ tuyển tập nào, ta có thể tìm thấy các bài thơ hay, và chúng ta thậm chí gần như không quan tâm ai đã viết và gần như không thích thú để làm quen với các bài thơ khác của cùng tác giả. Nhưng có những người khác, họ không phải lúc nào cũng hay, nhưng điều đó gây ra một sự tò mò, một mong muốn không thể cưỡng lại để tìm hiểu thêm về tác giả và tác phẩm của người này. Tất nhiên, điều này chỉ áp dụng cho những bài thơ ngắn, trong đó tính cách của nhà thơ, nếu nó là đáng kể, cũng không được tiết lộ đầy đủ. Thường thì chúng ta thấy ngay rằng người viết bài này hay bài thơ khác, chắc chắn có thể nói nhiều hơn nữa, trong một bối cảnh khác, nhưng cũng hay như vậy. Tuy nhiên, trong tất cả các tác phẩm thơ của Yeats, tôi thấy chỉ có một vài dòng nói về sự độc đáo của cá nhân ông, gây ra mối quan tâm và mong muốn tìm hiểu thêm về những cảm xúc và suy nghĩ của ông. Đời sống tình cảm mãnh liệt của nhà thơ gần như không nhìn thấy. Chúng tôi biết khá nhiều về thế giới tình cảm thời tuổi trẻ của ông, nhưng chỉ khi nhìn lại, trong một số tác phẩm sau này của ông. 

Khẳng định rằng biểu hiện cá nhân đặt các tác phẩm ở giai đoạn cuối của Yeats đến một cấp độ cao hơn, có vẻ như mâu thuẫn với suy nghĩ của tôi về điều tôi đã viết trong các bài tiểu luận đầu tiên của mình, tôi định nghĩa là sự vô ngã trong nghệ thuật. Có thể tôi không thể hiện chính xác suy nghĩ của mình, thậm chí có thể, khi đó bản thân tôi vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng về điều này bởi vì tôi không đọc lại văn xuôi của mình, câu hỏi này vẫn mở - nhưng bây giờ tôi có cảm giác rằng điều cốt yếu nằm ở đây. Có hai hình thức vô ngã: một – sự vô ngã tự nhiên đối với bất kỳ nghệ nhân khéo léo nào, và hai – chỉ có ở các nghệ sĩ trưởng thành. Hình thức đầu tiên của vô ngã – tôi muốn ngụ ý khi nói về “Tuyển tập thơ”: đó là thơ trữ tình của Lovelace hoặc Sukling hoặc Campion, là người hay hơn hai người kia. Đến hình thức thứ hai chỉ có nhà thơ nào có thể lấy ra từ kinh nghiệm cá nhân giàu có của mình một chân lý chung và thể hiện nó, giữ lại tất cả những đặc thù riêng, nhưng tạo ra một biểu tượng phổ biến. Và điểm đặc biệt của Yeats ở chỗ: đầu tiên ông là một bậc thầy lớn của loại đầu tiên, và sau đó – một nhà thơ lớn của loại thứ hai. Tuy nhiên, ông đã không trở thành một người khác. Như tôi đã đề cập, ở ông có một thế giới cảm xúc dạt dào của tuổi trẻ - mà giá như không có kinh nghiệm trước đây, ông chắc chắn sẽ không bao giờ đạt tới đỉnh cao của trí tuệ mà chúng ta tìm thấy trong các tác phẩm sau này. Nhưng chỉ trong những năm cuối, ông đã thể thể hiện những kinh nghiệm mà, theo tôi, làm cho ông trở thành nhà thơ độc đáo và đặc biệt thú vị.

Ta hãy xem xét một trong những bài thơ đầu tay được đưa vào tất cả các tuyển tập: “Khi em đã già, mái đầu em đã bạc” (When you are old and grey and full of sleep), hoặc một bài khác:  “Giấc mơ của cái chết” (A Dream of Death) trong tuyển tập thơ năm 1893. Thơ hay, nhưng không hơn là một công việc của người thợ bởi vì chúng không có cái đặc thù mà từ đó có thể sinh ra cái chân lý chung. Đến thời điểm năm 1904 đã có một sự phát triển rõ ràng trong những bài thơ đáng yêu “Sự tĩnh lặng điên rồ”( The Folly of Being Comforted), hoặc “Lời nguyền của Adam” (Adam’a Curse): có một cái gì đó đang đến và bắt đầu ngân vang như tiếng nói của một người cụ thể hướng tới một người khác. Ông càng rõ ràng hơn trong bài thơ “Hòa bình”(Peace) in năm 1910. Nhưng chỉ đến năm 1914 mới xuất hiện sự đam mê khủng khiếp “Trách nhiệm” (Responsibilities) với những dòng tuyệt vời:

Pardon that for a barren passion’s sake,
Although I have come close on forty-nine ...

Xin tha cho niềm đam mê cằn cỗi của tôi
Mặc dù tôi đã cận kề mốc bốn chín… 

Và việc nêu tuổi của mình trong bài thơ hoàn toàn không phải vô tình: ông cần hơn một nửa cuộc đời để đạt đến sự thể hiện tự do như vậy. Và đây là một chiến thắng!

Yeats đã phải thay đổi rất nhiều trong chính mình, thậm chí cả trong kỹ thuật. Ông là một thành viên trẻ trong nhóm các nhà thơ(2) mà không ai trong số đó có thể sánh được với ông về tầm cỡ, nhưng một số người đã tiến xa về phía trước trên con đường hẹp của mình, và điều này có thể trong một thời gian làm ngừng sự phát triển của ngôn ngữ riêng. Ngoài ra, áp lực từ phía trào lưu tiền Raphael đang thịnh hành thời đó là rất lớn. Chàng trai trẻ Yeats đã thơ thẩn trong ánh hoàng hôn Celtic (3), chính xác là hoàng hôn tiền Raphael – sử dụng văn hóa dân gian Celtic, gần giống như William Morris (4) sử dụng văn hóa dân gian Bắc Âu. Những bài thơ tự sự của ông còn mang dấu ấn của Morris. Trên thực tế, trong giai đoạn tiền Raphael này Yeats không phải là người cuối cùng của trào lưu tiền Raphael. Có thể tôi nhầm, nhưng vở kịch “Bóng nước” (The Shadowy Waters) dường như với tôi là một trong những khuôn mẫu hoàn hảo nhất, có vẻ đẹp kín đáo ma thuật của trường phái này, và mặc dù có vẻ hỗn hào từ phía tôi – nó làm tôi nhớ nhiều hơn cái bưu ảnh với cái nhìn vào biển từ cửa sổ của một căn biệt thự ở Kensington, huyền thoại Ireland qua việc xử lý của nhà in Kelmscott Press, và khi tôi cố gắng tưởng tượng nhân vật của nó, tôi nhìn thấy đôi mắt to mơ màng, ánh nhìn qua làn khói giống như các hiệp sĩ và những người phụ nữ của Burne-Jones (5). Tôi nghĩ rằng giai đoạn này, khi Yeats cải biên huyền thoại Ireland theo cách của Rosetti và Morris – là giai đoạn tìm kiếm của ông. Và ông chỉ thực sự giải quyết vấn đề của mình khi bắt đầu sử dụng những huyền thoại như một công cụ để tạo nhân vật của riêng mình, khi ông viết “Những vở kịch cho vũ công" (Plays for Dancers). Vấn đề ở chỗ là thơ của ông trở nên Ireland hơn – không phải ở chủ đề, mà trong cách thể hiện – và đồng thời phổ thông. 

Tôi đặc biệt muốn đề cập đến hai điểm trong sự phát triển của Yeats. Thứ nhất, thực tế là tôi đã đề cập đến: thành tựu của giai đoạn giữa và giai đoạn sau của Yeats cho chúng ta một ví dụ to lớn và lâu dài, cái mà các nhà thơ tương lai cần nghiên cứu một cách cẩn thận với sự rung động – cái này tôi gọi là Nhân cách của Nghệ sĩ, một loại đạo đức, mà không chỉ là một trí tuệ xuất sắc. Điểm thứ hai, sau tự nhiên từ những gì đã được nói ở trên về sự vô ngã một số biểu hiện cảm xúc trong các tác phẩm đầu tiên của ông: Yeats trở thành một nhà thơ, chủ yếu trong những năm trưởng thành. Mà tôi không muốn nói rằng ông là một nhà thơ chỉ dành cho độc giả lớn tuổi: thái độ của các nhà thơ trẻ viết bằng tiếng Anh trên khắp thế giới đủ bằng chứng thuyết phục điều ngược lại. Thực tế là, về mặt lý thuyết, cảm hứng và chất liệu cho thơ luôn luôn nên là đủ, cả ở tuổi trưởng thành, tuổi trung niên và tuổi già. Đối với một người biết cảm nhận, sẽ tìm thấy cho mình một thế giới mới trong từng giai đoạn của cuộc đời – anh ta nhìn vào tất cả bằng một đôi mắt khác, và vật liệu nghệ thuật mà từ đó anh ta sáng tạo ra, liên tục được đổi mới. Nhưng trên thực tế, có rất ít nhà thơ có thể thích ứng với mọi thời gian. Để đối mặt với thực tế, nó đòi hỏi một sự trung thực đặc biệt và lòng can đảm. Hầu hết các nhà thơ, hoặc tiếp tục bám víu vào kinh nghiệm tuổi trẻ của mình, và chỉ có khả năng bắt chước, mô phỏng những bài thơ đầu tiên của họ, hoặc họ bỏ tất cả niềm đam mê lại phía sau và chỉ viết bằng cái đầu, với một sự điêu luyện trống rỗng và hoang phí. Có một sự cám dỗ, thậm chí còn nguy hiểm hơn: đó là một nhà hoạt động xã hội đáng kính, người chỉ sống với công chúng – quần áo, đồ trang trí và phù hiệu, lời nói, việc làm và thậm chí cả ý nghĩ mà, theo họ nghĩ, là những gì công chúng chờ đợi. Yeats không ở trong số này, vì lý do đó mà tác phẩm giai đoạn sau của ông được lớp trẻ yêu thích hơn là những người lớn tuổi. Đối với những người trẻ, họ nhìn thấy ở ông là một nhà thơ mà tác phẩm luôn luôn vẫn còn trẻ, theo nghĩa tốt nhất của từ này, và một cái gì đó trở nên trẻ hơn theo thời gian. Trong tuổi già - nếu chúng ta không khâm phục sự trung thực mà các nhà thơ thể hiện mình trong những bài thơ của họ - chúng ta sẽ bị sốc khi nhà thơ cho chúng ta thấy bộ mặt thật của mình, bộ mặt đã từng và hiện tại vẫn như thế. Họ sẽ từ chối tin rằng bản thân họ là như thế.

You think it horrible that lust and rage
Should dance attendance upon my old age;
They were not such a plague when I was young:
What else have I to spur me into song?

Bạn nghĩ rằng đam mê và giận dữ
Vẫn không vơi trong tim kẻ đã già
Dù không bệnh dịch như khi còn trẻ
Tôi biết lấy gì, nếu thiếu, để làm thơ?

Đây là những dòng rất ấn tượng và không mấy dễ chịu, một nhà phê bình Anh mà tôi vẫn tôn trọng, gần đây đã lên án chúng. Nhưng tôi nghĩ rằng ông đã hiểu sai chúng. Tôi không nhìn vào chúng như một lời tự thú cá nhân và không tìm thấy trong nhân vật của Yeats một cái gì không tự nhiên, người đàn ông này về cơ bản, cũng giống như mọi người đàn ông khác, và sự khác biệt duy nhất là ở  trong sự rõ ràng, trung thực và khí lực lớn hơn. Ai mà không có những cảm giác tương tự nếu anh ta là người trung thực và sống đủ lâu? Có lẽ tôn giáo ngăn cản họ, nhưng ai có thể nói rằng họ đã chết? Chỉ có những người thuộc về câu châm ngôn của La Rochefoucauld: “Quand les vices nous quittent, nous nous flatton de la creance que ce nous qui les quitton” (6) Trong những lời này có tấm thảm kịch mà Yeats nói đến trong một bài thơ trào phúng của mình.

Tương tự như vậy, vở kịch “Tĩnh Thổ” (Purgatory) nói về những điều không mấy dễ chịu. Có một số khía cạnh của nó mà tôi không thích. Tôi không thích tên gọi của nó, hoặc ít nhất là Tĩnh thổ không thấy rõ. Tuy nhiên, vở kịch này – không chỉ là kỹ năng đáng kinh ngạc của nhà viết kịch, người đã có thể sử dụng rất nhiều hành động trong một cảnh ngắn như vậy và trên một không gian sân khấu nhỏ như vậy, mà nó còn là một hình ảnh hoàn hảo về thế giới cảm xúc của một ông già. Theo tôi, bài thơ trào phúng mà tôi trích dẫn có thể được hiểu theo nghĩa tương tự như vở kịch “Tĩnh Thổ”. Nhà thơ trữ tình – Yeats luôn là một nhà thơ trữ tình, ngay cả trong những vở kịch của ông – ông có thể nói đại diện cho bất kỳ người nào hoặc một người rất khác với mình, nhưng để làm được điều này, ông cần dù chỉ trong một chút thời gian để đặt mình vào vị trí của người này hay người khác, và trí tưởng tượng sáng tạo này có thể gây hiểu lầm cho một số độc giả, những người nghĩ rằng ông nói từ bản thân mình và chỉ cho chính mình – đặc biệt là những người không muốn liên lụy đến mình.


Tôi không muốn chỉ tập trung vào khía cạnh này của tác phẩm ở giai đoạn sau này của Yeats. Dưới đây là một bài thơ đẹp trong tập “Cầu thang xoắn ốc” (Winding Stairs), tưởng nhớ Eva Gore-Booth và Con Markiewicz (7), trong đó hình ảnh ngay từ đầu:

Two girls in silk kimonos, both
Beautiful, one a gazel,

Hai cô gái mặc kimono lụa, cả hai
Xinh đẹp, mà một là con linh dương,

Bức tranh đột ngột chuyển gam màu với dòng sau đây:

When withered, old and skeleton gaunt

Khi héo úa, già cả, gầy còm như bộ xương

Và cũng như bài “Coole Park” được bắt đầu:

I meditate upon a swallow’s flight,
Upon an aged woman and her house.

Tôi suy ngẫm về chuyến bay chim én
Về bà già ngồi trong mái nhà tranh. 

Trong những bài thơ như thế có một cảm giác rằng những cảm xúc sôi động nhất và hấp dẫn nhất của tuổi trẻ không những không biến mất mà còn có sự biểu hiện đầy đủ trong sự hồi tưởng. Vì rằng những cảm xúc của con người trong tuổi già không chỉ khác: chúng đã tích hợp những cảm xúc của tuổi trẻ.

Sự phát triển của Yeats trong kịch thơ cũng thú vị như trong thơ trữ tình. Tôi đã nói rằng ông là nhà thơ trữ tình – theo nghĩa đó, tôi không nghĩ rằng tôi là nhà thơ trữ tình: tôi muốn nói đến sự lựa chọn của cảm xúc chứ không phải hình thức nhịp điệu. Nhưng một nhà thơ trữ tình cũng có thể là một nhà viết kịch, và tôi sẽ gọi Yeats là nhà viết kịch trữ tình. Phải mất nhiều năm để phát triển phong cách riêng của mình trong kịch, phù hợp với thiên tài của ông. Khi ông bắt đầu viết kịch, kịch thơ được viết bằng thơ không vần. Nhưng khi đó, thơ không vần đã chết từ lâu. Tôi không thể nói chi tiết về những nguyên nhân, nhưng rõ ràng hình thức thi ca mà Shakespeare sử dụng một cách thiên tài là một thách thức cho các nhà viết kịch hôm nay. Khi bạn viết kịch cùng loại như của Shakespeare, chúng chỉ gây áp lực lên bạn, nếu kịch không giống thì đó là sự mất phương hướng. Vả lại, Shakespeare là vĩ đại hơn nhiều so với bất kỳ những người nào kế tục ông, thơ không vần liên quan đến thế kỷ XVI và XVII, nó khó có thể truyền đạt nhịp điệu của ngôn ngữ nói hiện đại. Tôi nghĩ rằng nếu trở lại một cái gì đó giống như thơ không vần thì nó sẽ chỉ xảy ra chỉ sau một thời gian rất dài, sau khi nó không sử dụng và nó sẽ không còn được liên kết với một thời kỳ cụ thể. Tuy nhiên, khi Yeats viết những vở kịch đầu tiên của ông đã không thể sử dụng một hình thức khác trong kịch thơ, và tôi nói điều này không phải là chỉ trích Yeats, mà chỉ theo ý nghĩa rằng những thay đổi trong thi luật tại thời điểm này chưa đến. Những vở kịch thơ đầu tiên, trong đó có “Mũ xanh” (Green Helmet), được viết bằng một loại câu mười bốn âm khác thường, rất đẹp, và là hay nhất đã được viết theo thể loại này vào thời điểm đó. Và ta đã có thể thấy một sự phát triển vần luật theo hướng khác thường. Không phải Yeats đã phát minh ra vần luật mới, nhưng thơ không vần trong kịch của ông thể hiện một xu hướng mới mạnh mẽ, và điều đáng chú ý nhất – đó là gần như một sự từ bỏ hoàn toàn vần luật của thơ không vần trong “Tĩnh ngục”. Một trong những kỹ thuật mà Yeats sử dụng thành công trong một số vở kịch ở giai đoạn sau – khúc trung gian trữ tình cho dàn đồng ca. Nhưng một điểm khác, và rất quan trọng là sự thay thế dần dần của vẻ đẹp nên thơ. Đối với các nhà thơ hiện đại, những người quyết định viết kịch thơ, thì điều này có lẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất trong lĩnh vực thơ ca. Yeats cải tiến thơ của mình và hoàn thiện nó. Dòng thơ đẹp dành cho cái đẹp, là sự sang trọng, thậm chí sự nguy hiểm cho nhà thơ, người sở hữu kỹ thuật nhà hát điêu luyện. Vẻ đẹp thực sự không nằm trong dòng hoặc đoạn thơ, mà trong kết cấu kịch tính, vì vậy thật khó xác định rằng lời đem lại độ lớn cho kịch, hay kịch biến lời thành thơ. (Một trong những dòng ly kỳ nhất trong “Vua Lear” (King Lear) là rất đơn giản:

Never, never, never, never, never...

Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ…

nhưng nếu không biết bối cảnh, chẳng lẽ bạn có thể nói rằng đó là thơ, hoặc thậm chí là câu thơ hay?) Yeats đã tinh chế thơ của ông trong “Bốn vở kịch cho vũ công” (Four Plays for Dancers) in trong hai tập xuất bản sau khi chết, trên thực tế, ông đã tìm thấy hình thức phù hợp nhất cho các tác phẩm kịch của mình. 

Trong ba vở đầu của “Kịch cho vũ công” ông cũng thể hiện cách “bên trong” tương phản với “bên ngoài” và việc sử dụng thần thoại Ai-len mà tôi đã nói. Tôi cảm thấy rằng trong các vở kịch và thơ thời kỳ đầu của ông về các nhân vật huyền thoại và các nhân vật nữ, Yeats đối xử với họ một cách kính trọng như cách ứng xử với các sinh vật huyền thoại đến từ thế giới khác. Trong những vở kịch sau này của ông thì họ là những người đàn ông và phụ nữ bình thường. Có lẽ nên loại bỏ “Ước mơ của xương” (Dreaming of the bones) khỏi thể loại này, bởi vì Dermot và Devorgilla là những nhân vật trong lịch sử hiện đại chứ không phải thời tiền sử, nhưng để xác nhận những gì đã nêu, tôi muốn lưu ý rằng trong vở kịch này những người yêu nhau trong một ý nghĩa phổ quát cũng tương tự như Paolo và Francesca của Dante, và điều này thì chàng trai trẻ Yeats còn chưa đạt đến. Tương tự như vậy, Cuchulain trong “Giếng diều hâu” (Hawk’s Well),  Cuchulain, Emer và Eithne (8) trong “Ganh tỵ duy nhất của Emer” (The Only Jealousy of Emer ): huyền thoại được trình bày không vì mục đích riêng của mình, mà như một phương tiện để thể hiện các khái niệm phổ quát.

Có thể người đọc có ấn tượng là tôi cho rằng những bài thơ và kịch ở giai đoạn đầu của Yeats không có giá trị so với các tác phẩm sau này của ông. Điều này là trái với ý định và mong muốn của tôi. Sáng tạo của một nhà thơ lớn như vậy không dễ dàng  phân chia thành các giai đoạn. Trong sự phát triển của một nhân cách lớn như vậy và một hướng nhất định như vậy thì những tác phẩm của giai đoạn sau chỉ giúp chúng ta thấy được vẻ đẹp và ý nghĩa của các tác phẩm trước đó. Nó cũng cần tính đến các điều kiện lịch sử. Như tôi đã nói trước đây, Yeats được sinh ra ở phần cuối của một phong trào văn học trong văn học Anh: chỉ có những người đã làm việc vất vả với ngôn ngữ biết rằng lao động và kiên trì để giải thoát mình khỏi những ảnh hưởng như vậy - nhưng, mặt khác, nếu ta biết tiếng nói của một nhà thơ đã trưởng thành, ta có thể nghe ra ngữ điệu riêng ngay cả trong những tác phẩm đầu tay. Thời tuổi trẻ của tôi trong thơ, dường như không có những người có uy tín lớn, có thể trực tiếp giúp đỡ hoặc cản trở, để dạy hoặc chống lại, nhưng tôi có thể hiểu được tình huống phức tạp của Yeats và những nhiệm vụ khó khăn mà ông phải giải quyết. Với thể loại kịch thơ, tuy nhiên, tình hình hoàn toàn ngược lại, bởi vì Yeats chưa có gì, và chúng ta có Yeats. Ông bắt đầu viết kịch tại thời điểm khi mà dường như là văn xuôi đã giành chiến thắng vang dội trong nhà hát và có một tương lai tuyệt vời, khi hài kịch vui nhộn chỉ quan tâm đến khu vực đặc quyền nhất định của cuộc sống đô thị, còn chính kịch chỉ có thể phác thảo thoáng qua một số vấn đề xã hội. Bây giờ chúng ta bắt đầu hiểu rằng ngay cả những nỗ lực còn vụng về của Yeats trong buổi đầu có thể để lại dấu ấn lâu dài trong văn học nhiều hơn so với kịch của Shaw, rằng kịch của Yeats nói chung kiên quyết phản đối sự thô tục của Shaftesbury Avenue và là vũ khí hiệu quả chống lại điều đó. Ngay từ đầu, Yeats sáng tạo và hiểu thơ của mình như là lời nói chứ không phải là chữ in, và tương tự như vậy ông luôn luôn viết kịch là để cho biểu diễn chứ không phải để đọc. Tôi nghĩ rằng, nhà hát đối với ông, trước hết là một phương tiện để thể hiện của ý thức con người chứ không phải là cách để đạt được thành công và danh tiếng, và tôi tin chắc rằng sự phục vụ như vậy là cách duy nhất mà bạn có thể tạo ra một cái gì đó đáng giá. Tất nhiên, ông đã có một lợi thế rất lớn, mà nếu chúng ta nói về nó cũng không làm giảm đi chút nào sự vĩ đại của ông. Tôi muốn nói đến các đồng nghiệp của ông, là những người được trời phú và không đánh mất tài năng thơ và diễn xuất. Ta không thể tách rời sự đóng góp của Yeats cho nhà hát Ailen khỏi những gì mà nhà hát Ai len đã làm cho ông. Nếu nhìn từ quan điểm này thì trên sân khấu kịch thơ sống, trong khi ở các lĩnh vực khác của cuộc sống nó ở vị trí thấp. Khó có thể chỉ ra ảnh hưởng của Yeats như một nhà soạn kịch, nhưng vai trò của ông là rất lớn, một khi còn nhà hát. Trong một số tác phẩm viết về kịch ông đã xây dựng một số nguyên tắc mà chúng ta chắc chắn phải tuân thủ, chẳng hạn như vị trí của nhà thơ trên diễn viên và diễn viên trên họa sĩ sân khấu, nguyên tắc nhà hát mặc dù không phải “phục vụ nhân dân” - theo nghĩa hẹp, như người Nga thường nói, - dù sao, nhà hát vẫn phải dành cho mọi người, rằng nhà hát còn sống một khi nó giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng. Yeats sinh ra trong thời của học thuyết “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, và chết khi có sự đòi hỏi nghệ thuật phải phục vụ xã hội. Tuy nhiên, ông tin tưởng đi theo con đường nằm giữa hai thái cực này mà không ngả về phía nào. Ông chỉ ra rằng người nghệ sĩ là phải cống hiến hết mình cho nghệ thuật, tạo ra những thành tựu phục vụ cho dân tộc của mình cũng như cho toàn thể nhân loại.

Đánh giá cao nhà thơ không có nghĩa là nhất thiết phải đồng ý với ông hoàn toàn, và tôi không phủ nhận rằng một số quan điểm và cảm xúc của Yeats là tôi không thể chia sẻ. Nhưng tôi nói điều này để thấy rằng tôi xem xét hoạt động của Yeats trong giới hạn nào. Sự khác biệt trong quan điểm, phản bác và thậm chí chống đối chỉ liên quan đến lĩnh vực học thuyết, và đó là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, bài của tôi chỉ tập trung vào Yeats là nhà thơ và nhà viết kịch, theo khía cạnh này thì nhân cách con người có thể tách biệt với phần còn lại. Trên thực tế, một sự phân biệt rõ ràng như thế là không thể thực hiện được. Cần phải nghiên cứu đầy đủ và chi tiết về toàn bộ tác phẩm của ông, mặc dù việc làm như thế lúc này hãy còn quá sớm. Có những nhà thơ mà tác phẩm có thể được nhìn thấy nhiều hơn hoặc ít hơn trong sự cô lập, đó là niềm vui và sự thích thú. Nhưng có những người có thơ không kém thú vị, nhưng nó có tầm quan trọng lịch sử rất lớn. Yeats thuộc loại thứ hai này: ông là một trong số ít những người mà cuộc đời là lịch sử của cả một thế hệ mà tình cảm, ý thức phản ánh cả thời đại và không thể hiểu được nếu không có họ. Điều này đặt ông ở vị trí rất cao: nhưng tôi tin rằng đó là vai trò thực sự của ông. 

Chú thích:
1.Bài về W. B. Yeats này T. S. Eliot đã đọc trong cuộc gặp “Những bạn hữu của Viện hàn lâm Ai len” (Friends of the Irish Academy) ở Nhà hát Abbey Theatre, Dublin, năm 1940. Sau đó in trong tạp chí “Purpose”. 
2.Có thể Eliot nói đến Câu lạc bộ thơ “Rhymers’Club” do Yeats lập ra năm 1889. 
3.Chàng Yeats trẻ lang thang dưới “Hoàng hôn Celtic”(Celtic Twilight) – tên một bài thơ của Yeats. 
4.William Morric (1834-1896) – nhà thơ, nhà xuất bản sách, họa sĩ Anh, chủ soái tinh thần của trào lưu Nghệ thuật thủ công (Arts & Crafts). Ông cũng là người lập ra nhà in Kelmscott Press. 
5.Edward Coley Burne-Jones (1833-1898) – họa sĩ Anh. 
6.Khi tật xấu ra khỏi ta, ta ảo tưởng, nghĩ rằng ta đã không còn tật xấu. 
7.Eva Gore-Booth và Con Markiewicz – những phụ nữ tham gia cuộc khởi nghĩa ở Ai len năm 1916. 

8.Cuchulain, Emer, Eithne – những nhân vật trong văn học dân gian Ai len. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét