Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Thơ James Joyce


James Augustine Aloysius Joyce (tiếng Ireland: Séamas Seoige, ngày 2 tháng 2 năm 1882 – 13 tháng 1 năm 1941) – nhà văn, nhà thơ Ireland, được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ XX. James Joyce là tác giả của những kiệt tác: Uy-lít-xơ (Ulysses), Chân dung một chàng trai trẻ (A Portret of the Artist), Finnegans hồi sinh (Finnegans Wake)… Ông còn là tác giả của các tập thơ Nhạc thính phòng (Chamber Music, 1907), Thơ một xu một bài (Poems Pennyeach, 1927), Tuyển tập thơ (Colleted Poems, 1936). Dù số lượng không nhiều nhưng thơ của James Joyce có sự ảnh hưởng rất lớn đến các nhà thơ Anh phái Hình tượng.

Tiểu sử:
James Joyce sinh ở Rathga, phía nam Dublin trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Bố là John Stanislaus Joyce, mẹ là Mary Jane Murray. Bố thường phải thay đổi việc làm và gia đình cũng thường xuyên chuyển từ quận này sang quận khác. Mặc dù được học hành đến nơi đến chốn nhưng cảnh nghèo túng và đời sống bấp bênh của thời tuổi trẻ đã khắc sâu vào ký ức và được thể hiện trong những tác phẩm của Joyce. 

Năm lên 6 tuổi Joyce vào học trường dòng Clongowes, tiếp đó là Belvedere. Năm 1898 Joyce vào học Đại học Dublin và tốt nghiệp năm 1902. Năm 1900 một tờ báo ở Dublin đăng bài viết đầu tay của Joyce về vở kịch của Ibsen: “Khi nào thì người chết chúng ta sẽ hồi sinh”. Thời gian này Joyce bắt đầu làm thơ. Từ năm 1916 bắt đầu in ở tạp chí The Little Review của Mỹ.

Năm 20 tuổi Joyce đi sang Paris và cũng thường xuyên phải thay đổi việc làm giống như bố trước đây, hết làm báo lại đi dạy tiếng Anh. Sang Pháp được 1 năm thì Joyce nhận được bức điện báo tin mẹ ốm nặng liền quay trở về Ai-len. Sau khi mẹ mất (năm 1904) Joyce lại đi Trieste (Ý), lần này kết bạn cùng Nora Barnacle, người trở thành vợ ông 27 năm sau đó. Trước khi hai người đăng ký kết hôn (năm 1931) họ đã có với nhau hai đứa con vào các năm 1905 và 1907. 

Một thời gian trước khi Thế chiến I nổ ra, Joyce cùng với vợ sang Zurich (Thụy Sĩ). Ở đây ông bắt đầu viết Chân dung một chàng trai trẻ và sau đó là phần đầu của Uy-lít-xơ. Thời gian sống nhiều nơi ở châu Âu, Joyce tiếp tục làm thơ và viết tiếp Uy-lít-xơ, tác phẩm in lần đầu ở Pháp mà không phải ở Ai-len. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Trong suốt 600 trang sách Joyce chỉ kể về 1 ngày (ngày 16 tháng 6 năm 1904) của một người Dublin gốc Do Thái có tên là Leopold Bloom. Mặc dù đây là tác phẩm được viết hoàn toàn ở nước ngoài nhưng đọc nó, theo lời của Joyce, người ta “có thể phục hồi nguyên vẹn Dublin trong trường hợp nó bị phá hủy”. Ngày 16 tháng 6 những người hâm mộ Joyce khắp thế giới kỷ niệm ngày gọi là Bloomsday. 

Cũng tại Paris, Joyce bắt đầu viết tiểu thuyết Finnegans hồi sinh, in năm 1939. Đây là một cuốn tiểu thuyết phức tạp và cho đến tận ngày nay Finnegans hồi sinh vẫn là cuốn sách chỉ dành cho các chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Hiện tại, ngoài Uy-lít-xơ thì các tác phẩm Người Dublin và Chân dung một chàng trai trẻ là những tác phẩm có nhiều người đọc.

Sau ngày nước Pháp bị Đức chiếm đóng trong Thế chiến II, Joyce trở về Zurich. Thời gian này ông bị chứng bệnh glôcôm (glaucome) và sức khỏe của ông giảm sút hẳn. Ông qua đời ngày 13 tháng 1 năm 1941 tại Zurich, Thụy Sĩ. 

Sự ảnh hưởng:
James Joyce là nhà văn có sự ảnh hưởng lớn đến văn hóa thế giới. Ngày nay, James Joyce vẫn là một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất. Năm 1998 nhà xuất bản Modern Library lập một danh sách “100 tác phẩm hay nhất của thế kỷ XX” trong đó có 3 tác phẩm của James Joyce. Uy-lít-xơ (xếp số 1), Chân dung một chàng trai trẻ (xếp thứ 3) và Finnegans hồi sinh (xếp thứ 77). Năm 1999 tạp chí Time xếp James Joyce vào danh sách “100 nhân vật và quan trọng nhất của thế kỷ XX”.

Sự ảnh hưởng của James Joyce còn vượt cả ngoài lĩnh vực văn học. Câu “Three Quarks for Muster Mark” trong tác phẩm Finnegans hồi sinh được coi là nguồn gốc của thuật ngữ vật lý quark – hạt cơ bản sơ cấp do Muray Gell-Mann đề xưất năm 1964. 

Tác phẩm:
*Nhạc thính phòng (Chamber Music, 1907), thơ
*Người Dublin (Dubliners, 1914), truyện
*Chân dung một chàng trai trẻ (A Portrait of the Artist as a Young Man, 1916), truyện 
*Lưu đày (Exiles, 1918), kịch
*Uy-lít-xơ (Ulysses, 1922), truyện
*Thơ một xu một bài (Pomes Penyeach,1927), thơ
*Tuyển tập thơ (Collected Poems, 1936), thơ
*Finnegans hồi sinh (Finnegans Wake, 1939), truyện

Xuất bản sau khi qua đời:
*Stephen Hero (viết 1904–06, in 1944)
*Giacomo Joyce (viết 1907, in 1968)
*Letters of James Joyce Vol. 1 (Ed. Stuart Gilbert, 1957)
*The Critical Writings of James Joyce (Eds. Ellsworth Mason and Richard Ellman, 1959)
*Letters of James Joyce Vol. 2 (Ed. Richard Ellman, 1966)
*Letters of James Joyce Vol. 3 (Ed. Richard Ellman, 1966)
*Selected Letters of James Joyce (Ed. Richard Ellman, 1975)




Thơ một xu một bài (tiếng Anh: Pomes Penyeach) là tên một tập thơ tình gồm 13 bài của James Joyce, tiếp sau tập thơ Nhạc thính phòng (Chamber Music) đã in năm 1907. Những bài thơ trong tập này được viết trong khoảng thời gian 20 năm, từ 1904 đến 1924 và được xuất bản ngày 7 tháng 7 năm 1927 bởi Shakespeare and Co với giá bán một shilling (mười hai penny). Lúc đầu Joyce có ý định chỉ in 12 bài và định giá 1 đồng, nghĩa là mỗi bài một xu nhưng sau đó ông quyết định thêm vào một bài (Tilly). Tilly – nghĩa là thêm vào, hiểu theo cách nói của người thời nay thì đây là bài khuyến mại.

Tên tập thơ Pomes Penyeach là cả một câu chuyện dài, nhưng nếu nói một cách ngắn gọn thì đây là cách chơi chữ của Joyce. Từ Pomes có thể hiểu theo tiếng Anh là Poems (Thơ), và cũng có thể hiểu theo tiếng Pháp là Pommes (Táo). Bởi vậy tên của tập thơ này có thể dịch là “Thơ một xu một bài” hoặc “Táo một xu một quả”. Văn chương vốn bạc bẽo muôn đời nay, mặc dù đặt tên cho tập thơ như vậy nhưng sau khi nó được xuất bản, Joyce đã viết một bài thơ vui về tập thơ và người đã biên soạn ra nó. 

PENNIPOMES TWOGUINEASEACH

Sing a song of shillings 
A guinea cannot buy, 
Thirteen tiny pomikins 
Bobbing in a pie. 

The printer's pie was published 
And the pomes began to sing 
And wasn't Herbert Hughesius 
As happy as a king! 
(April 1932) 

THƠ MỘT XU – TIỀN CẢ ĐỐNG

Tập thơ giá một đồng
Tiền vàng không mua được
Mười ba bài trong một
Một chiếc bánh ngon lành.

Khi chiếc bánh in xong
Thì thơ bắt đầu hát
Còn Herbert Hughesius 
Hạnh phúc như ông hoàng! 
______________
*Người biên soạn tập thơ này là Herbert Hughesius. Joyce rất lấy làm hài lòng trước việc làm này. 
**Guinea - Đồng ghinê (tiền vàng của nước Anh xưa, giá trị tương đương 21 silinh). 



Nội dung tập thơ:
Tập thơ gồm 13 bài sau đây:
*Tilly (Dublin, 1904, tên lúc đầu là “Cabra”)
*Watching the Needleboats at San Sabba (Trieste, 1912)
*A Flower Given to My Daughter (Trieste, 1913)
*She Weeps over Rahoon (Trieste, 1913)
*Tutto è sciolto (Trieste, 13 July 1914)
*On the Beach at Fontana (Trieste, 1914)
*Simples (Trieste, 1914)
*Flood (Trieste, 1915)
*Nightpiece (Trieste, 22 January 1915)
*Alone (Zurich,1916)
*A Memory of the Players in a Mirror at Midnight (Zurich, 1917)
*Bahnhofstrasse (Zurich, 1918)
*A Prayer (Paris, 1924)
Tập thơ mỏng này (toàn bộ chưa đầy 1000 từ) đã chứng tỏ một sức sống mãnh liệt theo thời gian. Một số bài (đặc biệt là “Tilly”, “Bông hoa tặng cho con gái tôi”, “Trên bãi biển ở Fontana”, “Bahnhofstrasse”) vẫn liên tục xuất hiện trong các tuyển tập thơ cho đến tận ngày nay. 


Trích một số bài:

BÀI THƠ THỨ MƯỜI BA

Chàng du hành theo mặt trời mùa đông 
Xua đàn bò bước trên con đường lạnh 
Bằng giọng nói ồm ồm, quen với chúng 
Dẫn đàn bò trên đỉnh Cabra. 

Giọng nói quen gợi ấm áp ngôi nhà 
Đàn bò chạy thung thăng và kêu rống 
Trên sừng bò làn khói màu mận chín 
Chàng quất đàn bò bằng một cành hoa. 

Ơi chàng chăn thú, ơi kẻ quê mùa 
Đêm nay chàng nằm xoài bên lửa ấm 
Còn ta chảy máu bên dòng nước thẫm 
Vì đã tan tành hết một cành hoa. 
__________
Tilly – lối văn nói Ireland là thêm vào. Theo R. Ellmann, người chú thích tác phẩm của Joyce, thì tên bài thơ xuất phát từ việc tác giả thêm bài thơ này vào tập thơ "Poems Pennyeach" trước đó chỉ có 12 bài (Xem: R. Ellmann. James Joyce. New and Revised Edition, N.Y., Oxford Univ. Press, 1982, p.132).



XEM ĐUA THUYỀN Ở SAN SABBA

Tôi nghe lời những con tim than thở
Trên nước sông và bên những mái chèo
Và tôi nghe ra những tiếng thở dài:
Không quay về, không còn quay về nữa.

Ôi con tim, ôi lời than hoa cỏ
Vô ích thôi, thương xót để mà chi
Cơn gió hoang bay đi chẳng quay về
Không quay về, không còn quay về nữa.


BÔNG HOA TẶNG CHO CON GÁI TÔI

Như bông hoa hồng trắng, mong manh
Là bàn tay đã tặng
Cho ai trong lòng trĩu nặng
Và héo úa, như tình. 

Nhưng mảnh mai hơn hoa hồng
Dịu dàng hơn quên lãng
Là đôi con mắt âu yếm
Cô bé với những đường gân xanh.
___________
*Bài thơ này về lần Amalia Popper (tình nhân của Joyce) gặp con gái Lucia của ông. Tình yêu tuyệt vọng với Samuel Beckett (1906 – 1989) đã làm cho Lucia mắc bệnh tâm thần phân liệt. Chi tiết này cũng được Joyce nói đến trong tác phẩm văn xuôi “Giacomo Joyce”: “Bông hoa nàng tặng cho con gái của tôi. Món quà tặng mong manh, người tặng quà mong manh, đứa bé có những đường gân xanh mỏng mảnh” (A flower given by her to my daughter. Frail gift, frail giver, frail blue-veined child). 


NÀNG KHÓC Ở RAHOON

Mưa rơi lặng lẽ ở Rahoon
Người yêu của em nằm đấy
Em như nghe tiếng người đau đớn gọi
Qua vầng trăng xám mịt mùng. 

Anh thân yêu, anh có nghe thấy chăng
Tiếng của người gọi em đau buồn vậy
Không có tiếng trả lời, và cơn mưa tối
Giữa trời đêm.

Anh và em cũng sẽ có một lần
Về ngủ yên như con tim buồn ấy
Dưới những bụi tầm ma và cỏ lối
Và tiếng mưa thì thầm. 
__________
*Bài thơ này viết về Nora Barmacle, vợ của James Joyce. Nghĩa địa Rahoon ở xứ Galway, Ai-len là nơi yên nghỉ của Michael Bodkin, người từng yêu Nora và đã chết vì tình. Trong truyện “Người chết” (cuối tập Người Dublin) của Joyce có nói đến những chi tiết này. 



TRÊN BỜ BIỂN Ở FONTANA

Cơn gió gào trên bến
Tiếng sóng biển khóc than
Biển cổ xưa như đánh số lên
Từng viên đá ngầu bọt biển. 

Tôi cảm thấy từ cơn gió lạnh
Quây lấy con với sự ấm nồng
Tôi chạm lên bờ vai run
Và bàn tay bé bỏng. 

Xung quanh chúng tôi từ phía trên
Nỗi sợ và bóng đêm đổ xuống
Còn trong con tim, sâu bất tận
Cơn đau tình! 
_____________
*Đây là bài thơ viết về lần tắm cho con trai Giorgio. 



LÁ TRĂNG

O bella bionda, 
Sei come l’onda! * 


Ánh trăng lộng lẫy huy hoàng 
Trùm lên bóng đêm tê tái 
Nơi trong khu vườn cô gái 
Đang ngồi nhặt lá dưới trăng. 

Trên tóc nàng giọt sương lấp lánh 
Và trăng hôn lên trán dịu dàng 
Nàng vừa nhặt lá, vừa hát rằng: 
Em đẹp xinh, tuyệt vời như ngọn sóng! 

Hãy bịt lấy đôi tai này, xin cầu Chúa 
Để cho yên lặng ở trong tim 
Để cho không còn thánh thót vang lên 
Tiếng hát dưới trăng của người nhặt lá. 
_____________
* Ơi người đẹp có mái tóc vàng 
Em tựa hồ như ngọn sóng! (tiếng Italia)



TRIỀU CƯỜNG

Trên vách đá những chùm nho nâu-vàng
Con nước no nê thỏa mãn quét lên
Như gà mái – giang cánh trên mặt nước
Ngày ảm đạm u buồn.

Vẻ hoang dã của con nước nhẫn tâm
Giương cái bờm xù – còn ở phía trên
Ngày mệt mỏi chau mày nhìn ra biển 
Vẻ ngạo mạn coi thường. 

Dâng lên và chiếm lĩnh, ôi cành nho vàng
Những quả nho dưới con nước triều dâng
Của tình yêu vuốt ve, rộng lớn và tàn nhẫn
Trước vẻ lưỡng lự của anh. 
_____________
*Khổ cuối: “Uplift and sway… Incertitude!” bằng văn xuôi sẽ là: “Em nhô lên và em đung đưa, ô cành nho vàng, những quả nho của em dưới con nước lớn của tình yêu ve vuốt, to lớn và nhẫn tâm, như vẻ lưỡng lự (không tin chắc) của em”. 
Hình tượng “cành nho vàng”, cũng như “cành hoa tan tác” ở bài “Tilly” có nguồn gốc từ những lời của Chúa Giê-su Christ: “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết, và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả để được sai trái hơn. Hãy cứ ở trong ta thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, nếu các ngươi chẳng ở trong ta thì cũng không kết quả được. <…> Cũng như nhánh nho, nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quẳng vào lửa thì nó cháy”. (Tân Ước_Giăng, XV:1-6). 
Từ cuối cùng: Incertitude – không chắc là còn tìm lại được những giá trị tinh thần mà Joyce đã có từ thời thơ ấu. Có lẽ vì do yêu nhiều và phóng đãng quá rồi hối hận chăng? Nỗi khổ này hành hạ Joyce đến suốt cuộc đời. 



Nhạc thính phòng (tiếng Anh: Chamber Music) là tập thơ của James Joyce được xuất bản bởi Elkin Matthews tháng 5, 1907. Tập thơ này ban đầu bao gồm 34 bài thơ tình, nhưng hai bài nữa đã được thêm vào trước khi xuất bản (“Suốt ngày tôi nghe tiếng nước”, 
và “Tôi nghe tiếng bước chân rầm rập trên đất”).

Đây là những bài thơ viết trong quãng thời gian từ năm 1901 đến năm 1904. Về hình thức, đây là những bài ca được viết theo phong cách trữ tình Anh thời đại Phục hưng. Xu hướng chủ đạo là sự khát khao, gần gũi, mệt mỏi, ly biệt và cô đơn. Có cả mô-típ tình bạn, tình yêu quên mình và cả sự trả thù đối với những người yêu. 

Phổ nhạc:
Ngày nay, mặc dù những bài thơ trong tập “Nhạc thính phòng” ít khi được chọn đưa vào các Tuyển tập thơ hơn là tập “Thơ một xu một bài” nhưng các bài thơ trong tập này được nhiều nhạc sĩ sử dụng trong tác phẩm của mình. Các nhạc sĩ: Samuel Barber, Luciano Berio, Simic Aleksandar, Božičević Ivan, Citkowitz Israel, Robin Williamson, Syd Barrett, Bates Martyn của nhóm Eyeless in Gaza, Jim O'Rourke và Shelley Steve của nhóm Sonic Youth thường sử dụng thơ của Joyce trong các nhạc phẩm của họ. 

Năm 2008, hãng thu âm Fire Records phát hành bộ đĩa đôi gồm tất cả 36 bài thơ được phổ nhạc bởi những nhóm nhạc nổi tiếng nhất hiện nay, trong đó có Mercury Rev, Gravenhurst, Ed Harcourt, và Willy Mason.


Trích một số bài:

I
Có dây đàn không khí
Có dây đàn đất đai
Có những cây liễu nhỏ
Rủ bóng trên sông dài.

Nơi tình yêu lang thang
Trong bóng của hoàng hôn
Lá úa trên mái tóc
Hoa héo trên áo choàng.

Đàn ơi, hãy hát lên
Dù mỏi mệt, ưu phiền
Những ngón tay thơ thẩn
Lướt trên những dây đàn. 

II
Hoàng hôn từ thạch anh tím 
Có màu xanh và sâu hơn 
Còn ánh sáng của ngọn đèn 
Đổ xuống cây trên đường phố lớn. 

Tiếng đàn dương cầm xưa cũ vang lên 
Giai điệu vui tươi, chầm chậm 
Trên những phím đàn màu vàng 
Mái đầu em cúi xuống. 

Ý nghĩ của em trong ánh mắt cháy lên 
Còn đôi tay trên phím đàn thơ thẩn 
Hoàng hôn đi vào bóng tối màu xanh 
Ánh sáng của thạch anh màu tím. 


IV
Ngôi sao giữa trời đêm
Vẻ run rẩy ngập ngừng
Em có nghe lời hát
Từ phía cổng nhà em.
Một bài ca tha thiết 
Của người đến với em.

Xin em chớ hỏi lòng: 
Người này là ai vậy
Giọng của người êm ái
Làm em đến rơi tim?
Em ơi em, người ấy
Là anh đến với em. 


V
Ơi cô gái tóc vàng
Bên cửa sổ nghiêng mình 
Anh đang nghe em hát
Một bài ca tuyệt trần.

Bỏ cuốn sách dở chừng
Anh không thể đọc thêm!
Đưa mắt nhìn ngọn lửa
Như nhảy múa trên sàn. 

Bỏ cuốn sách dở chừng
Anh ra khỏi nhà mình
Để tìm nghe câu hát
Xuyên suốt qua sầu đông. 

Em ơi hãy hát lên
Một bài ca tuyệt trần.
Nghiêng mình bên cửa sổ
Ơi cô gái tóc vàng. 


VIII
Ai đang đi giữa màu xanh hoa cỏ
Giữa cây rừng khoác bộ áo mùa xuân?
Ai đang đi giữa màu xanh vui vẻ
Để cho rừng cũng lộ vẻ hân hoan?

Ai đang đi giữa ánh sáng mặt trời
Để hoa cỏ dõi theo bàn chân bước?
Ai đang đi giữa ánh sáng mặt trời
Vẻ thanh tân sáng ngời trên gương mặt?

Tại vì ai tất cả những lối mòn
Chạy trong rừng như ngời lên ánh lửa?
Tại vì ai mà ngày hôm nay rừng
Diện trang phục sáng ngời, xinh đẹp thế?

Rừng làm thế để hôm nay chào đón
Em của tôi trong vẻ đẹp của rừng
Rừng làm thế để hôm nay chào đón
Em của tôi xinh đẹp và trẻ trung!


XIII
Gió ơi, gió hãy làm ơn
Nói với em rằng tôi sẽ đến
Và nhớ bài thơ mừng 
Cho em tôi hãy chuyển.
Gió hãy bay trên đất tối tăm
Gió hãy bay trên biển
Để cho đất và biển
Không cách trở tôi và em. 

Và xin gió hãy làm ơn
Thêm một điều này nữa
Gió hãy ghé vào khu vườn nhỏ
Hãy hát lên bên cửa sổ nhà nàng
Gió hãy hát rằng: tôi yêu em
Rằng em hãy ra mở cửa
Rằng em hãy ra gặp gỡ
Và em hãy tin.


XIV 
Ơi bồ câu đẹp xinh
Hãy thức dậy đi em!
Giọt sương trên mí mắt
Và trên đôi môi anh.

Những ngọn gió thở dài
Và bay vút lên trời
Em ơi em thức dậy
Bồ câu của anh ơi. 

Anh đứng bên cây tùng
Đợi người yêu của anh
Em ơi em hãy đến
Ép vào ngực của anh. 

Những giọt sương mịt mùng
Trùm lên mái đầu anh
Em ơi em thức dậy
Ơi bồ câu đẹp xinh. 


XVII
Để trả về đôi bàn tay mơn trớn 
Và giọng nói của em
Tôi đã làm cho đau đớn
Người bạn của mình.

Không lời nói, chẳng van xin
Chẳng giúp ích gì cả — 
Với tôi bây giờ người bạn thân
Trở thành người xa lạ. 


XVIII 
Nghe này, em yêu thương
Nghe câu chuyện của tình:
Có người đàn ông khổ
Khi bè bạn không còn.

Người này đã biết rằng
Một tình bạn đã từng
Giờ tan thành tro bụi
Theo lời nói dối gian. 

Nhưng có ai ghé thăm
Người đi đứng nhẹ nhàng
Hỏi han và an ủi
Bằng cách của yêu thương.

Người đàn ông nhẹ nhàng
Đặt tay lên ngực nàng
Cảm thấy lòng ấm áp
Và tràn ngập tình thương. 


XX
Anh ao ước
Chỉ hai đứa mình
Buổi trưa nơi bóng mát
Của rừng thông.

Để anh sẽ hôn em
Ngọt ngào, âu yếm
Mình hôn nhau trong bóng
Của rừng thông. 

Để cùng với những nụ hôn
Trên bờ môi anh rơi xuống
Từng gợn sóng, gợn sóng 
Của mái tóc em. 

Thì em ơi ta hãy vội vàng
Đi về nơi chốn
Giữa buổi trưa, trong bóng
Của rừng thông.


XXVIII
Em yêu ơi, anh xin em đừng hát
Bài hát buồn, đoạn kết của tình yêu
Xua nỗi buồn, anh xin em hãy hát
Rằng yêu thương ai biết mấy cho nhiều. 

Em hãy hát về giấc ngủ thật sâu
Của những người yêu đã nằm trong mộ
Hát cho những ai đã từng yêu nhau
Đã quên tình yêu như là giấc ngủ. 


XXX
Tình yêu đến với chúng tôi như vậy:
Ngày đó em chơi trong buổi hoàng hôn
Còn tôi đứng một mình trong sợ hãi
Tình yêu đầu ai chẳng ngại làm quen.

Thế rồi yêu nhau. Thế rồi tan vỡ
Vẫn còn bao nhiêu thứ để nhớ về.
Và giờ đây dẫu con đường đôi ngã
Con đường này vẫn tốt đẹp hơn kia. 


XXXI
Tôi nhớ con đường về Donnycarney 
Những con dơi bay từ cây sang cây
Tôi và em hai người cùng sánh bước
Tôi nhớ những lời em nói với tôi.

Cơn gió hè thổi mát cho hai người
Gió thì thầm – Ôi, hạnh phúc tuyệt vời –
Nhưng mềm mại, ngọt ngào hơn tất cả
Là nụ hôn mà em tặng cho tôi. 


XXXII
Suốt cả ngày mưa rơi
Nhưng em ơi hãy đến
Dù lá đã rụng đầy
Trên con đường kỷ niệm.

Em ơi em hãy đến
Dù chốc lát rồi đi
Hãy đến, cho kỷ niệm
Dù chốc lát ghé về. 


XXXIV
Tim ơi hãy ngủ yên!
Ơi con tim nức nở
Ta nghe giọng trong tim
Hãy ngủ yên, hãy ngủ. 

Ta nghe cơn gió đông
Gào lên ngoài cánh cửa
Con tim ơi hãy ngủ
Mặc cơn gió khóc than. 

Ta hôn lên trán em
Để yên lặng trong tim
Ơi con tim nức nở
Hãy ngủ trong yên bình!


XXXV
Suốt ngày tôi nghe tiếng nước
Tựa như sóng biển thét gào
Tựa như chim hải âu
Bay về phía trước
Nghe theo tiếng gió khóc dòng nước
Bằng một giọng đều đều.

Những cơn gió lạnh xám thét gào
Theo bàn chân tôi bước. 
Tôi nghe tiếng sôi sùng sục
Từ phía dưới sâu
Suốt ngày đêm tôi nghe tiếng nước
Cả phía trước phía sau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét